Bộ trưởng nói giảm
là xăng tăng!?
Trong chiến thuật quân sự, người ta gọi đó là nghi binh, như kiểu nổi lửa đằng đông tấn công đằng tây, trong quán nước chè người ta bảo đó là chuyện phiếm, còn đối với báo chí đó là chuyện thật.
Xin được dẫn chứng ngay, ngày 20-9-2011, trong hội thảo "Điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường ở Việt Nam hiện nay", ông Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, người một thời làm Tổng Kiểm toán Nhà nước nên đã hiểu "chân tơ kẽ tóc" của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu, sau khi "đè" các doanh nghiệp bằng đòn "độc": "Nếu cần công bố gian lận, tôi sẽ công bố các gian lận" làm các doanh nghiệp đứ đừ. Người đứng đầu Bộ Tài chính tiếp tục tấn công bằng tuyên bố đầy tự tin: "Việc giảm giá xăng là có cơ sở, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm cá nhân về vấn đề này".
Hiếm có Bộ trưởng nào từ trước đến nay, trên văn đàn lại tỏ rõ quyết tâm, "tấn công" trực diện, không cần giấu bài và nói "toạc móng giò như vậy". Dẫu chỉ là lời tuyên bố giảm giá xăng ở "thì tương lai" nhưng cũng đã làm bài viết của nhiều nhà báo như "có lửa", bởi điều đơn giản nhất ai cũng hiểu, Bộ trưởng phải có gì trong tay mới tuyên bố như vậy. Nhưng đó đây cũng có những e ngại, động vào xăng dễ bị cháy lắm, và mọi người đành nín thở chờ. Mấy tháng sau, chính xác là ngày 7-3-2012, thông tin làm choáng váng người tiêu dùng, giá xăng tăng vèo thêm 2.100 đồng/lít.
Hiếm có Bộ trưởng nào từ trước đến nay, trên văn đàn lại tỏ rõ quyết tâm, "tấn công" trực diện, không cần giấu bài và nói "toạc móng giò như vậy". Dẫu chỉ là lời tuyên bố giảm giá xăng ở "thì tương lai" nhưng cũng đã làm bài viết của nhiều nhà báo như "có lửa", bởi điều đơn giản nhất ai cũng hiểu, Bộ trưởng phải có gì trong tay mới tuyên bố như vậy. Nhưng đó đây cũng có những e ngại, động vào xăng dễ bị cháy lắm, và mọi người đành nín thở chờ. Mấy tháng sau, chính xác là ngày 7-3-2012, thông tin làm choáng váng người tiêu dùng, giá xăng tăng vèo thêm 2.100 đồng/lít.
Giá xăng tăng kéo theo dịch vụ vận tải tăng. Ảnh: Quỳnh Anh
Rồi ngày 6-4, Hội nghị liên ngành tổng kết Nghị định số 130/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với cơ quan Nhà nước và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính và Bộ Nội vụ tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Hà Nội. Khi được hỏi về giá xăng dầu và lần tăng giá xăng dầu gần đây nhất, Bộ trưởng Vương Đình Huệ cho biết: "Trung Quốc vừa qua tăng 2 lần, lần 1 tăng 300 NDT/tấn, vừa rồi lại tăng 600 NDT/tấn. Indonesia tăng giá xăng dầu lên 33% nhưng giá điện chỉ có 10%... Vừa qua có những phản ứng nên chắc là Chính phủ và Quốc hội trong thời gian tới sẽ cân nhắc về giá xăng dầu".
Và không cần đợi mấy tháng như lần trước, lần này chỉ 15 ngày sau khi Bộ trưởng nói, giá xăng lại “nhảy tót” thêm 900 đồng/lít. Như vậy chỉ hơn một tháng trong năm nay, giá xăng đã tăng 2 lần.
Giải thích cho đợt tăng giá trước (ngày 7-3), ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết "Nếu tính đủ thuế theo barem thuế thì giá bán xăng dầu trong nước phải điều chỉnh tăng khoảng từ 4.200 đồng/lít đến 6.500 đồng/lít tùy theo từng chủng loại xăng dầu. Mức điều chỉnh trên đây mới chỉ bằng từ 12,56% - 40,95% mức đáng ra phải điều chỉnh". Nghe có vẻ "phũ phàng" nhưng có lẽ đó là lời nói thật.
Vẫn theo ông Thỏa, trước đợt tăng giá lần này có 4 doanh nghiệp đầu mối là Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), TCty dầu Việt Nam (PV OIL), Cty TNHH một thành viên Dầu khí TP HCM (Sài Gòn Petro), Cty TNHH một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp (Petimex) gửi văn bản xin tăng giá xăng dầu, vì chênh lệch giữa giá cơ sở và bán lẻ đang lớn.
Các doanh nghiệp này cho rằng do giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore ở mức cao nên hoạt động kinh doanh xăng dầu trong nước đang lỗ. Với mức giá bán 22.900 đồng/lít (vùng 1), giá xăng A92 lỗ 800 - 1.000 đồng/lít, chưa trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu 300 đồng/lít; còn dầu diesel lỗ khoảng 500 - 600 đồng/lít, nếu trích quỹ bình ổn 300 đồng/lít thì mức lỗ sẽ còn khoảng 300 đồng/lít.
Và gần như ngay lập tức, liên Bộ Tài chính - Công Thương có quyết định cho phép các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tăng giá bán lẻ lên mức từ 400 đồng - 900 đồng/lít. Mặt hàng xăng có mức tăng cao nhất, với mức tăng 900 đồng/lít, xăng A92 bán ra đạt mức kỷ lục 23.800 đồng/lít, kể từ 20h ngày 20-4.
Cũng như mọi lần, hễ giá xăng tăng là thị trường lại được dịp "nổi lửa", nhất là lĩnh vực vận tải, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam nhận định: "Với đợt tăng giá xăng, dầu lần này, cùng với thời điểm ngày 1-6 tới sẽ thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, thời gian tới giá vé xe khách sẽ tăng, với mức từ 7-10% so với giá hiện nay".
Đấy chỉ riêng vận tải, còn bao nhiêu mặt hàng khác đang nhè vào túi người tiêu dùng mà "đánh hội đồng". Người tiêu dùng giờ như võ sĩ quyền anh vừa lĩnh trọn 2 cú móc vào hàm từ giá xăng, lảo đảo góc võ đài và chắc chắn sẽ bị một sê-ri đòn khác. Chả có huấn luyện viên tung khăn trắng xin thua, cũng không có trọng tài giơ tay đếm để dừng trận đấu. Không biết Bộ trưởng Vương Đình Huệ giờ đang ở đâu?
Nguồn : phapluatxahoi