Chợ Nổi

Cái Răng, Cần Thơ

Vàm Ô môn

Thới an, Ô môn

Đại Nam

Bình Dương

Thới Lai

Cần Thơ

Friday, July 8, 2011

"SIÊU XE" CHIẾM LĨNH ĐƯỜNG PHỐ



Triển lãm xe hơi tại Hà Nội
Ngày 06/07, hãng thông tấn Pháp AFP có bài của phóng viên Ian Timberlake nói về thị trường xe hơi cao cấp ở Việt Nam. BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.
Cô gái trẻ tạo dáng trong trang phục bắt mắt trước chiếc sedan Audi A6 nhằm thu hút khách hàng trong một triển lãm xe hơi ở Hà Nội.
Những dòng xe sang trọng ngày càng hấp dẫn nhiều người Việt Nam, doanh số bán hàng loại này tăng trưởng kể cả khi mà cuộc sống hàng ngày của cả một thành phần đông đảo dân số đang phải vật lộn ứng phó với một trong tỷ lệ lạm phát thuộc mức cao nhất thế giới.
Chiếc Audi A6 trưng bày tại triển lãm Vietnam Auto Expo hồi cuối tháng trước có trị giá 142.000 đôla Mỹ, khoản tiền mà uớc tính phải mất tới 182 năm lao động của một công nhân phổ thông Việt Nam mới có thể kiếm được.
Mercedes-Benz, Lexus, Audi và các hãng xe cao cấp khác đang tràn ngập trên những đường phố Hà Nội chật hẹp, nơi hầu hết mọi người đi xe máy là phương tiện giao thông chủ yếu và phải chen nhau từng khoảng trống.
Thậm chí các hãng xe có tên tuổi sang trọng hơn như Bentley và Rolls-Royce cũng xuất hiện càng làm tăng thêm lo ngại về việc mất cân bằng phát triển trong xã hội.

Ngày càng nhiều thương hiệu

Giám đốc điều hành công ty Automotive Asia, nhà nhập khẩu Audi chính thức ở Việt Nam, ông Laurent Genet nói rằng “Doanh số bán hàng của chúng tôi đang tăng trưởng gấp đôi trong mỗi năm vừa qua và tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục đạt được như vậy.”
Trong khi đó, các hãng khác như Ford, Toyota, Mercedes – Benz đã tiến hành việc sản xuất và lắp ráp xe tại Việt Nam nhiều năm nay.
Ông Genet nói chỉ sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2007, thị trường này mới chính thức mở cửa cho các nhà nhập khẩu, điều này có nghĩa nó ở trong giai đoạn trứng nước và sẽ tiếp tục thu hút thêm một số lượng các thương hiệu khác.
Công ty Auto Motors Việt Nam, nhà nhập khẩu chính thức của Renault, có mặt tại thị trường trong nước hồi cuối năm với chiếc Koleos, có giá bán lẻ là 1.429 tỷ đồng Việt Nam (68.048 đôla).
“Doanh số bán hàng ngay từ ban đầu đã khá tốt”, ông Xavier Casin, giám đốc điều hành của hãng nói.
Năm nay, hãng Citroen của Pháp đã trở lại Việt Nam và Range Rover, tên tuổi có mặt ở Việt Nam được 3 năm, nói doanh số bán hàng năm 2011 tăng khoảng 50% bất chấp giá bán lẻ là 200.000 đôla/chiếc.

Tôi nghĩ nhu cầu chơi xe hạng sang tại Việt Nam lúc nào cũng tăng. Mặc dù thỉnh thoảng tình hình kinh tế không tốt lắm nhưng vẫn có rất nhiều người có tiền muốn đổi sang những chiếc xe đắt tiền hơn.
Doanh nhân Trần Minh Tuấn, 28 tuổi
Trần Nhật Tú, quản lý bộ phận bán hàng nói: “Land Rover có giá rất đắt. Thị trường biết rõ điều đó.”
Báo cáo doanh số bán hàng mỗi năm của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam đưa ra con số bán hàng của xe hơi và dòng xe kiểu SUV tăng 38% trong bốn tháng đầu năm 2011.

'Đắt mới sang'

Bất chấp việc nền kinh tế đang bị thâm hụt thương mại cao, sức mua của đồng tiền giảm và lạm phát gia tăng mỗi tháng kể từ tháng Tám năm ngoái, doanh số bán hàng xe hơi vẫn tăng.
Tháng Sáu năm nay, khi tỷ lệ lạm phát ở mức 21%, người dân với mức lương trung bình 1.365.000 đồng (khoảng 65 đôla) phải cắt giảm mức chi tiêu.
Trong nỗ lực nhằm bình ổn nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương muốn kiềm chế tăng trưởng tín dụng năm nay dưới 20% bằng biện pháp giới hạn khoản vay cho các “thành phần phi sản suất”, đặc biệt là thị trường bất động sản và chứng khoán.
Tuy nhiên sự giới hạn này không làm ảnh hưởng đến thị trường xe hơi hạng sang, theo ông Genet.
“Khách hàng mua những chiếc xe đắt tiền của chúng tôi là những người không thực sự cần đến tài chính ”.
"Đối với họ đây là thanh thế. Đó gần như là sự đầu tư.”
Trần Minh Tuấn, 28 tuổi, là một ví dụ.
Doanh nhân bất động sản trẻ tuổi này đến triển lãm xe hơi với ý định nâng cấp chiếc xe có thương hiệu ít tiếng tăm hơn một chút sang hiệu Audi.
Tuấn nói:“Chiếc xe bạn lái thể hiện đẳng cấp và tên tuổi của bạn”
“Tôi nghĩ nhu cầu chơi xe hạng sang tại Việt Nam lúc nào cũng tăng. Mặc dù thỉnh thoảng tình hình kinh tế không tốt lắm nhưng vẫn có rất nhiều người có tiền muốn đổi sang những chiếc xe đắt tiền hơn.”

Mở cửa thị trường

Năm 1986, Đảng cộng sản Việt Nam chuyển hướng từ nền kinh tế kế hoạch hóa sang thị trường tự do và chính sách này đã đem lại tốc độ phát triển vào bậc nhanh nhất trong khu vực châu Á.
Triển lãm xe hơi tại Hà Nội
Doanh thu các hãng xe sang tiếp tục tăng
Ông John Hendra, hiện đã kết thúc nhiệm kỳ giám đốc đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam, nói mặc dù gần đây kinh tế tiếp tục có dấu hiệu bất ổn, nó cũng vẫn tăng trưởng và dẫn theo sự mua sắm hàng hiệu ở các thành phố như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
“Khoảng cách giữa giàu và nghèo đang ngày càng gia tăng,” ông Hendra phát biểu hồi tháng Năm trước khi kết thúc nhiệm kỳ ở Việt Nam.
Nhiều khi "khoe hàng hiệu" là dấu hiệu của thành đạt, nhưng đa số người dân Việt Nam vẫn nghi ngờ sự sạch sẽ của những đồng tiền này.
Matthieu Salomon, cố vấn cao cấp của tổ chức Towards Transparency, chi nhánh khu vực cuả tổ chức chống tham nhũng toàn cầu Trasparency International cho biết rằng theo một nghiên cứu hồi tháng Tám của nhóm này, khoảng một phần tư giới trẻ thành thị ở Việt Nam hoài nghi họ có khả năng thành công nếu như tuân thủ luật lệ.
Mới đây, Hiệp hội các doanh nhân trẻ Hà Nội trên một diễn đàn do Ngân hàng Thế giới tài trợ tuyên bố rằng “siêu xe và nhà đắt tiền” của một số người khá giả phản ánh sự phung phí, quan liêu và tham nhũng ngân khố nhà nước.
Đối với đa số dân chúng Việt Nam thì xe hơi vẫn nằm ngoài tầm với và triển lãm xe hơi như ở trên chỉ là cơ hội cho các viên chức nhà nước như anh Nguyễn Tuấn Hùng, 37 tuổi, mơ mộng.
“Tôi đi xe gắn máy”- Hùng nói - “Tôi không có đủ tiền để mua xe hơi. Nhưng tất nhiên tôi mơ mua một cái.”

MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN BẢO VỆ NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM



Vào chiều ngày Chủ Nhật 12 tháng 6 năm 2011 vừa qua, tại trụ sở Hội Người Việt Cao Niên vùng Hoa Thịnh Đốn, thuộc thành phố Falls Church, bang Virginia, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam đã tổ chức một buổi thuyết trình về việc làm của Ủy ban trong những năm qua, qua sự trình bày của một số thành viên của Ủy ban. Trong chuyên mục sinh hoạt cộng đồng tuần này, mời quý vị theo dõi những hoạt động của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam.
Từ trái sang phải: Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, bà Jacquie Bông Wright và cô Ca Dao thuyết trình về người lao động Việt Nam tại Mã Lai
Kể từ đầu những năm 2004, tin tức về những hoàn cảnh thương tâm của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đã khiến cho một số người Việt tại hải ngoại quan tâm. Bà Jacquie Bông Wright, hiện là Thủ quỹ của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam nói:
“Chúng tôi lúc đầu thấy trên eBay có những cô gái Việt Nam bị rao bán với giá 5.400 đô la một người, lúc đó là năm 2003. Chúng tôi rất phẫn nộ, chúng tôi viết thơ cho eBay yêu cầu bỏ những website bán đấu giá phụ nữ Việt Nam. Sau đó chúng tôi thấy bên Singapore có một xe bán hàng hóa phía sau có một khung cửa có mấy cô Việt Nam ngồi để được bán đấu giá. Trên Internet cũng có một loạt các cô gái Việt Nam trần truồng để mấy ông chọn mua như cô dâu. Ông đại sứ John Miller thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết tại Bộ Ngoại giao có thành lập một Ủy ban phụ trách về vấn đề buôn người và ông kêu gọi chúng tôi làm sao cho những cộng đồng Việt Nam ở Mỹ hiểu rõ nạn buôn người là gì.”
Do đó vào năm 2004 bà Jacquie Bông Wright và các thân hữu đã tổ chức một buổi hội thảo tại Quốc hội Mỹ mời các đại diện truyền thông báo chí, các hội đoàn, các chuyên gia về buôn người như Linh mục Nguyễn Văn Hùng, ở Đài Loan, đến thuyết trình. Bà Jacquie Bông Wright tiếp tục tổ chức những buổi hội thảo như thế tại California để đánh động lương tâm người Việt tại hải ngoại.
Kế đến được sự tiếp tay của ông Trần Ngọc Thành tại Ba Lan, một người quan tâm rất nhiều về vấn đề công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động, một hội nghị với chủ đề ‘Tự do và Cơm áo’ được tổ chức tại Warsaw, để thảo luận về vấn đề này. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hiện là Phó chủ tịch phụ trách miền Đông của Ủy ban cho biết:
“Người lao động Việt Nam bị ức hiếp, bị đàn áp trên toàn thế giới xảy ra hầu như hàng ngày. Do đó một số anh chị em chúng tôi trên nhiều quốc gia đã đến Ba Lan vào tháng 10 năm 2006 và trong 3 ngày, từ ngày 28 đến 30 tháng 10 chúng tôi đã họp ngay trong trụ sở Quốc hội Ba Lan để thành lập Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam. Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam sau đó đã bầu cơ cấu lãnh đạo với anh Trần Ngọc Thành bên Ba Lan làm chủ tịch, phó chủ tịch có giáo sư Nguyễn Thanh Trang bên Cali, và chúng tôi ở bên đây, chị Jacquie Bông làm thủ quỹ và Tổng Thư Ký là anh Đoàn Việt Trung ở Úc.”
Tháng 12 năm 2009, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam đã họp đại hội lần thứ hai tại Kuala Lumpur, Mã lai, nơi có khoảng 80.000 công nhân Việt Nam làm việc và gặp rất nhiều vấn đề khó khăn. Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích cho biết tiếp về thành quả của kỳ đại hội này.
“Nhân cơ hội này đã lập ra tiểu ban Mã Lai trong đó có những người như anh Nguyễn Đình Hùng bên Úc, chị Ca Dao bên Pháp và anh Nguyễn Tánh bên Bỉ và họ cũng đã đi nhiều chuyến để nghiên cứu cũng như là tìm cách giúp công nhân có tiếng nói vững mạnh, bảo vệ cho chính quyền lợi của họ.”
Cô Ca Dao, thuộc Tiểu ban Mã Lai và đồng thời là đại diện của Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam tại Pháp và Tây Âu dùng hình ảnh ghi nhận được tại chỗ để trình bày về những khó khăn công nhân Việt Nam gặp phải tại Mã Lai. Cô giải thích lý do tại sao người lao động Việt Nam tại Mã Lai gặp nhiều vấn đề hơn người lao động Việt Nam tại các nước khác.
“Tại Việt Nam có 5 thị trường được nhà nước xuất khẩu lao động nhiều nhất để xóa đói gỉam nghèo là Nam Hàn, Nhật Bản, Đài Loan, Mã Lai và Trung Đông nhưng Mã lai là môi trường xuất khẩu nhiều nhất vì Mã Lai tuyển người rất dễ dàng, tiền đóng rất ít từ 18 đến 21 triệu đồng một người trong khi ở các nước khác rất cao, có thể gấp đôi, gấp ba. Lý do thứ hai là không cần tay nghề, không cần một trình độ nào cả và cũng không cần phải học tiếng Mã Lai trước, trong khi đi Đại Hàn phải học tiếng Đại Hàn trước. Hầu hết những đối tượng đi Mã Lai là những người ở miền Bắc, vùng Tây Nguyên, vùng sâu vùng xa và toàn là những nông dân không có trình độ, không học thức nên đưa đến nhiều hệ lụy.”
Cô Ca Dao cho biết là Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam ngoài việc giúp đỡ trực tiếp cho những công nhân kém may mắn bị tai nạn, hoặc mắc những chứng bệnh hiểm nghèo như ung thư chẳng hạn, tiểu ban Mã Lai còn cố gắng tiếp xúc và giải thích cho công nhân Việt Nam biết được những quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình.
“Tất cả công nhân qua Mã Lai đều phải ký một hợp đồng. Trong hợp đồng có cái gì họ không biết vì tiếng Việt họ không biết huống chi tiếng Anh. Có những hợp đồng có tiếng Việt nhưng nhiều người không biết ký, phải lăn tay. Vì không biết chữ nên họ không biết trong hợp đồng có gì. Nhưng mà tất cả các công nhân đều phải ký vì không ký không đi được. Cho nên chúng tôi kêu họ đưa những hợp đồng và giải thích những điều nào có lý, những điều nào vô lý. Ví dụ như qua bên đây không được tham gia vào công đoàn và không được lấy vợ lấy chồng. Cũng như tiền Levy là tiền chủ nhân phải đóng cho chính phủ Mã Lai chứ không phải là công nhân.”
Cô Ca Dao đưa ra một trường hợp điển hình về công đoàn Việt Nam hãng dệt Pen Fabric tại đảo Penang miền Bắc Mã Lai để chứng tỏ công nhân Việt Nam vẫn có quyền thành lập công đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình và tại những nơi có công đoàn đời sống của công nhân khá hơn.
“Chúng tôi được dẫn đi vào phía trong nhà máy. Chỗ căn tin họ ăn uống rất là sạch sẽ. Họ được ăn 45 phút, còn những chỗ khác chỉ 15 phút hay tối đa 30 phút thôi. Ở đây mỗi công nhân được cho 40 ringít để ăn trong một tháng. Nếu ăn dè sẻn, còn dư thì để dành. Đây là tiền được cho ngoài tiền lương. Còn có phòng TV, phòng gym để công nhân trong giờ nghỉ có thể xem TV và người trong công đoàn có nhờ chúng tôi mang vào những dĩa karaoke bằng tiếng Việt để công nhân ca hát.”
Các công nhân qua Mã Lai làm việc đều bị chủ nhân tịch thu hộ chiếu. Do đó nhiều công nhân khi bị chủ hành hạ quá đáng, hoặc tiền lương không đủ ăn, phải làm việc cực nhọc từ 12 đến 18 tiếng đồng hồ một ngày, không chịu nổi bỏ trốn ra ngoài sống bất hợp pháp thì bị cảnh sát Mã Lai bắt giam. Hiện giờ theo con số chính thức có khoảng 450 người tù Việt Nam, trong số này có 150 tù nữ. Cô Ca Dao giải thích thêm về tình trạng của những người tù này.
“Một người tù bị bắt ở chỗ nào đó thì bị giam tạm tại đó 6 tháng. Sau đó tất cả đều bị đưa về một trại tù tại Melaka, bị giam tại đó cho đến khi nào có người mua vé máy bay cho họ trở về. Trước hết họ phải làm đơn lên tòa đại sứ Việt Nam, gởi về Việt Nam để xin chứng minh nhân dân và hộ chiếu. Xong giai đoạn đó rồi thì đến một giai đoạn rất khó khăn là cần có tiền để mua vé máy bay trở về. Chúng tôi trong thời gian qua có giúp đỡ cho một vài công nhân mua vé máy bay trở về. Số tiền mua một vé máy bay từ 300 đến 400 đô la tùy theo về Saigon hay về Hà Nội. Chúng tôi đang cố gắng làm sao để kêu gọi mỗi gia đình có thể giúp đỡ cho một công nhân một vé máy bay để trở về gia đình. Nếu không sẽ bị Mã Lai giam giữ hoài trong những điều kiện rất khắc nghiệt.”
Bà Mary ChiRay, một trong những sáng lập viên của Nghị Hội toàn quốc người Việt tại Mỹ hưởng ứng lời kêu gọi của cô Ca Dao bằng cách quyên góp tại chỗ được một số tiền để đóng góp vào quỹ giúp cho những người tù Việt tại Mã Lai có phương tiện trở về nước.
Ngoài tiểu ban Mã Lai, Ủy ban Bảo vệ Người Lao động Việt Nam còn thành lập một tiểu ban Việt Nam để soạn thảo những tài liệu cần thiết gởi về Việt Nam giúp công nhân trong nước biết rõ về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Chuyên mục Sinh hoạt Cộng đồng Việt Nam vùng Washington xin được kết thúc ở đây. Chúng tôi ước mong được đón nhận những tin tức về sinh hoạt cộng đồng từ những hội đoàn, những tổ chức kinh tế, xã hội, văn hóa và từ thiện cũng như của các cá nhân thuộc Washington D.C và vùng phụ cận. Xin gởi e-mail đến địa chỉ vietnamese@voanews.com với tiêu đề gởi sinh hoạt cộng đồng vùng Washington. Hà Vũ sẽ liên hệ với quý vị.
nguồn:

YINGLUCK VÀ THAKSIN TRONG CHIẾN TRƯỜNG THÁI



Bà Yingluck và Pheu Thai đang nhanh chóng thành lập nội các sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây.
Chỉ mới chừng hơn sáu tuần trước, nữ doanh nhân Yingluck Shinawatra đồng ý ra tranh cử lần đầu tiên. Hôm nay, bà đang chuẩn bị trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Ấn bản điện tử của báo The Guardian hôm 5/7 trong bài "Yingluck Shinawatra: Tân thủ tướng Thái Lan bước ra khỏi cái bóng của người anh trai" nhận định rằng dẫu mô hình chung ở Á châu cho thấy đằng sau một người phụ nữ thành công luôn là một người đàn ông quyền lực, nhưng vị lãnh đạo mới của chính trường Thái lại là một ngoại lệ.
Với bà Yingluck, người đàn ông quyền lực hẳn nhiên chính là người anh trai, ông Thaksin Shinawatra. Vẫn để dấu ấn mạnh mẽ trong nền văn hóa chính trị Thái Lan, nhà cựu lãnh đạo nay đang sống lưu vong.
Thaksin trở về?
Mới đây, báo điện tử asiaone.com trích lời một nguồn tin từ Đảng Pheu Thai nói hôm 05/7 rằng ông Thaksin nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm "đại sứ thương mại" của Thái trong chính phủ của em gái, bà Yingluck.

Ông Thaksin vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính trường Thái Lan
Việc bổ nhiệm dự kiến sẽ được loan báo sau việc thành lập nội các.
Cũng nguồn tin trên nói rằng với việc có quan hệ tốt trong giới doanh nhân và chính trị gia hàng đầu ở nhiều nước khác nhau, cùng những kinh nghiệm cá nhân sâu rộng, Thaksin sẽ rất hữu ích cho tân chính phủ trong việc quảng bá cho Thái Lan trong các cuộc đàm phán thương mại.
Cố vấn pháp lý của ông Thaksin, Noppadon Pattama nói ông tin rằng vị cựu thủ tướng sẽ rất hài lòng đón nhận vị trí này.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng đại sứ thương mại không phải là một vị trí chính trị và người đảm nhiệm vai trò này sẽ không có quyền lực pháp lý.
Vai trò hậu trường
Được biết sau khi Pheu Thai rõ ràng giành chiến thắng trong kỳ bầu cử hôm Chủ Nhật, ông Thaksin đã gọi điện cho lãnh tụ các đảng phái chính trị nhỏ hơn, dự kiến sẽ cùng tham gia liên minh, gồm Chart Thai Pattana, Chart Pattana Puea Pandin và Palang Chon, tin từ một trong các đảng này nói.
Một nguồn khác từ Chart Pattana Puea Pandin nói ông Thaksin đã kêu gọi chính trí gia Suwat Liptapanlop, vốn bị cấm hoạt động và người trên thực tế là lãnh tụ đảng này, hãy thảo luận về các vị trí trong nội các.
Trong nội bộ Pheu Thai, các phe nhóm khác nhau trong đảng đang vận động ráo riết để kiến ghế trong nội các cùng ông Thaksin và họ hàng thân cận của ông.

Không áp đảo trong cuộc tranh luận với ông Abhisit, nhưng Yingluck lại rất được lòng cử tri qua những lần xuất hiện trước đám đông.
Dấu ấn cá nhân
Yingluck không phải là trường hợp đầu tiên phụ nữ lên nắm quyền ở Á châu.
Hồi năm 1996, Sirimavo Bandaranaike của Sri Lanka, nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới, đã đứng lên đảm nhận trọng trách sau khi chồng bà bị ám sát. Rồi sau đó, con gái bà là Chandrika Kumaratunga trở thành tổng thống.
Hay như trường hợp bà Benazir Bhutto của Pakistan, bà Indira Gandhi của Ấn Độ, hay bà Megawati Sukarnoputri của Indonesia, đều là những người tiếp nối con đường của cha mình.
Tại Philippines, cả Corazon Aquino và Gloria Macapagal-Aroyo đều lên nắm quyền thay cho cha, cho chồng, thế còn Sheikh Hasina Wajed, con gái của vị tống thống đầu tiên của Bangladesh, thì hai lần lên làm thủ tướng, và trong khoảng thời gian giữa hai lần đó thì vị trí thủ tướng thuộc về bà Khaleda Zia, người vợ góa của tổng thống.
Nếu yêu quý anh tôi, liệu các bạn có trao cho em gái của ông một cơ hội không?
Yingluck Sinawatra
Ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, người dẫn dắt cuộc kháng chiến chống lại chính quyền quân nhân, là con gái của vị anh hùng Aung San. Wan Azizah Wan Ismail đã lãnh đạo phe đối lập Malaysia khi chồng bà Anwar Ibrahim bị hất cẳng và bỏ tù.
Có một điểm chung trong các trường hợp này. Họ đều ở các quốc gia chưa từng có nhà nữ lãnh đạo nào trong lịch sử, không có những gương mặt tự mình tạo dựng nên sự nghiệp như Angela Merkel, Margaret Thatcher hai Julia Gillard.
Thay vào đó, các gương mặt nữ ở Á châu nổi lên sau khi những người đàn ông đã rời chính trường, hoặc do bị giết, hoặc vì lý do khác mà không còn nắm giữ vai trò được nữa. Và thường là bởi không còn người đàn ông nào khác trong gia đình có thể tiếp tục gánh vác sự nghiệp, chẳng hạn như các con trai còn quá non trẻ, hoặc những người khác trong dòng họ không sắn sàng đảm đương vị trí.
Bà Yingluck không đi theo bước chân anh trai. Bà coi ông Thaksin, lớn hơn bà 17 tuổi, như người cha thứ hai.
Năm nay 44 tuổi và là em út trong số chín anh chị em, bà thường đặt câu hỏi trong quá trình vận động tranh cử: "Nếu yêu quý anh tôi, liệu các bạn có trao cho em gái của ông một cơ hội không?"
Con đường chính trị của bà có vẻ như bằng phẳng hơn so với các nhà nữ lãnh đạo khác ở Á châu.
Nhiều người Thái tự hào vị đã chọn được một vị nữ lãnh tụ. Một cuộc khảo sát do báo Matichon tiến hành đã hỏi người dân về việc có một nữ thủ tướng, và kết quả là 70% số người được hỏi nói đây là bước đi đúng đắn, một chỉ dấu về sự bình đẳng.
Đó chính là điểm mạnh của bà ấy, và vấn đề nằm ở chỗ cần biến điểm mạnh thành điểm yếu như thế nào... Nhưng ban vận động tranh cử của chúng tôi đã quyết định không đụng tới điểm này.
Surichoke Sopha, dân biểu Đảng Dân chủ
Trên thực tế, ông Thaksin đã từng được thay thế bởi đồng minh Samak Sundaravej và em rể Somchai Wongsawat - cả hai sau đó đều bị bãi chức - trước khi ông đề nghị người em gái út ra tranh cử.
Vào lúc bắt đầu cuộc tranh cử, nhiều người coi bà Yingluck chỉ như một con rối và đặt câu hỏi về việc đề cử bà. Nhưng, "thực tế hóa ra đó lại là một lựa chọn vô cùng thông minh," Kein Hewson, chuyên gia về Thái Lan tại Đại Họi North Caroline nói. "Bà ấy đã tiếp lửa cho chiến dịch."
Tuy không dày dạn kinh nghiệm nhưng bà đã học hỏi vô cùng nhanh chóng. Được bảo bọc bởi những chính trị gia kỳ cựu, bà nói chuyện với anh trai đôi ba lần một tuần, và luôn bám sát nội dung tài liệu soạn sẵn. Không xuất sắc trong cuộc tranh luận với thủ tướng Abhisit Vejjajiva, điểm có thể bị coi là yếu kém của bà, nhưng Yingluck đã chiếm được cảm tình của những đám đông cử tọa trong suốt quá trình vận động.
Sức mạnh nữ tính

Ông Aphishit cảm nhận được khó khăn trong cuộc đua.
Đảng Dân chủ của ông Abhisit nói họ cảm nhận được sự khó khăn khi đối đầu với đảng Phua Thai của bà Yingluck, bởi họ không muốn bị coi là bắt nạt phụ nữ.
Surichoke Sopha, một dân biểu thuộc Đảng Dân chủ nói sự nữ tính của Yingluck đẩy đảng của ông vào thế phòng ngự. "Đó chính là điểm mạnh của bà ấy, và vấn đề nằm ở chỗ cần biến điểm mạnh thành điểm yếu như thế nào... Nhưng ban vận động tranh cử của chúng tôi đã quyết định không đụng tới điểm này."
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng một khi lên nắm quyền, bà cũng sẽ rơi vào tình thế như bất kỳ một vị lãnh đạo nam giới nào khác giữa cuộc xung đột chính trị dai dẳng, cay đắng. Anh trai bà đã phân chia chính trị Thái Lan: ông được coi là người hùng của người nghèo nông thôn, nhưng giới trung lưu và thượng lưu nơi thành thị lại coi ông là độc đoán và tham nhũng.
Tỏ ý sẽ dẫn dắt đất nước theo cách riêng của mình, nhưng việc bà đón nhận những lời cố vấn từ ông Thaksin trong việc ra các quyết định quan trọng sẽ khiến bà Yingluck bị giới quan sát nghi ngại, nhất là với việc đảng Phua Thai có vẻ như muốn áp lệnh ân xá, mở đường cho ông Thaksin trở về.
Nhiều cử tri nữ bỏ phiếu cho bà Yingluck với hy vọng bà sẽ có những mối ưu tiên riêng, xử lý các vấn đề có ảnh hưởng nhiều tới phụ nữ.
Tuy nhiên, Virada Somswadi, sáng lập viên của chương trình nghiên cứu phụ nữ tại Đại Học Chiang Mai nói với tờ Bangkok Post rằng Yingluck bước chân vào chính trị "bởi những thành phần chính trị khác. Bà ấy không thể là đại diện cho các nhóm phụ nữ, bởi bà ấy chưa từng thể hiện tầm nhìn riêng hay quan điểm riêng trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ."

SÁCH VỀ TỘI ÁC CỦA MAO ĐOẠT GIẢI BBC



Hình ông Mao được tôn thờ ở Trung Quốc
Giải BBC Samuel Johnson danh giá bậc nhất ở Anh Quốc vừa được trao cho cuốn "Nạn đói lớn do Mao gây ra" (Mao's Great Famine) của tác giả người Hà Lan, ông Frank Dikotter.
Cuốn sách tổng kết lại nạn đói do chính sách Đại Nhảy Vọt của ông Mao Trạch Đông và đảng Cộng sản đưa ra trong thập niên 1960 ở Trung Quốc và cho rằng số nạn nhân bị chết là 45 triệu.
Tác giả Dikotter, một tiến sĩ chuyên về môn Trung Hoa học tại Đại học Phương Đông -SOAS - ở London kêu gọi chính quyền Trung Quốc hiện nay cho người dân của họ đọc cuốn sách.
Giải thưởng danh giá của BBC cho thể loại phi tiểu thuyết được trao chỉ 10 ngày sau chuyến thăm Anh của Thủ tướng Ôn Gia Bảo nhằm ký các hợp đồng làm ăn Anh - Trung trị giá tới 2 tỷ đô la.
'Chết 45 triệu'
Số người chết đói tới 45 triệu ở Trung Quốc vào thời kỳ cực tả Đại Nhảy Vọt mà ông Dikotter nêu ra nhiều hơn so với con số từ 30 đến 35 triệu như một vài tác giả khác tại Phương Tây ước tính.
Khen tác giả về công trình này, Ben Macintyre, nhà bình luận văn chương ở Anh nói đây là "bản án cho thảm họa khủng khiếp chính vì con người tàn bạo gây ra".
Hiện nay, tại Trung Quốc ông Mao vẫn được đảng Cộng sản tôn thờ.
Trong các bình luận chính thức, ông chỉ bị đánh giá là "công bảy, tội ba", hàm ý vẫn là nhân vật vĩ đại dù có sai lầm.
Ngoài chuyện nông dân, công nhân chết đói vì bị hành hạ trong các đợt Đại Nhảy Vọt, Cách mạng Văn Hóa, báo giới nước ngoài còn nhắc đến cách hành x̉ử của ông Mao với các đồng chí của chính ông ta.
Lâm Bưu và Mao Trạch Đông trong tranh cổ động Trung Quốc
Lâm Bưu và Mao Trạch Đông trong tranh cổ động 'đỏ' lúc còn thân nhau. Sau ông Lâm bị ông Mao ra lệnh giết
Nhiều nhân vật từng theo ông bị giết thẳng tay trong các cuộc đấu đá chính trị nội bộ.
Nhưng nay, trong dịp kỷ niệm 90 năm 'Sinh Nhật Đảng', chính quyền Trung Quốc vẫn bỏ nhiều tiền vào việc phục hồi các chiến tích của ông Mao thời xưa.
Đảng Cộng sản Trung Hoa, hiện có trên 80 triệu người, cũng liên tục cổ vũ cho làn sóng "nhạc Đỏ", nhắc lại thời kỳ vinh quang của họ trong quá khứ.
Cuối tháng 6 vừa qua, một bộ phim lớn được trình chiếu về 'Ṣự Phục Hưng" của dân tộc Trung Hoa nhờ Đảng.
Điều này tạo ra sự trái ngược lớn trong cách nhìn ông Mao ở Trung Quốc và tại Phương Tây.
Nhìn chung, dư luận Âu Mỹ coi ông Mao là một 'Stalin của Phương Đông' với các tội ác khủng khiếp gây ra với chính nhân dân Trung Quốc.
Cuốn sách "Mao's Great Famine" được trao giải trị giá 20 nghìn bảng Anh hôm thứ Tư 6/7 tại London.
Ông Macintyre, chủ tịch ban giám khảo nói rằng cuốn sách đã ghi lại một dấu tích lớn về nỗi đau của loài người.
Sách đã vượt qua cả năm tác phẩm khác, gồm các cuốn về Bismarck của Jonathan Steinberg và cuốn về Caravaggio của Graham Dixon.
Giải BBC Samuel Johnson tặng cho các sách viết bằng tiếng Anh trong những lĩnh vực từ thời sự, lịch sử, chính trị, thể thao, lữ hành cho đến tự truyện và nghệ thuật.
Theo ông Ben Macintyre, tác phẩm của Dikotter là sách "không thể thiếu cho những ai muốn hiểu lịch sử Thế kỷ 20".

CHƯA ĐIỀU TRA XONG VỤ CÔNG AN ĐÁNH CHẾT NGƯỜI


Thân nhân bên di ảnh ông Trịnh Xuân Tùng
Đã bốn tháng sau vụ công an đánh ông Trịnh Xuân Tùng tử vong, gia đình ông nói kết quả điều tra chính thức chưa được công bố.
Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Tùng, nói với BBC hôm thứ Năm 07/07 rằng cơ quan công an "vẫn chưa công bố kết quả điều tra".
"Hôm trước chị em có gọi điện, bên ấy có trả lời là sẽ cố gắng có phản hồi cho gia đình vào cuối tháng 6 nhưng tới giờ vẫn chưa thấy gì."
Theo cô Tiến, "vụ việc của bố em đã quá rõ ràng, bằng chứng nhân chứng có đủ hết, nên thật sự em cũng không hiểu tại sao họ chưa có câu trả lời".
"Sắp tới em sẽ làm đơn yêu cầu để đòi hỏi họ phải có câu trả lời."
Vụ ông Trịnh Xuân Tùng bị hành hung gây tử vong hôm 28/02 tại bến xe Giáp Bát đã gây bất bình cao độ trong dư luận.
Gia đình ông tố giác một sỹ quan công an thuộc phường Thịnh Liệt cùng ba dân phòng đã hành hung ông, sau khi có cãi cọ về việc không đội mũ bảo hiểm.
Khi bị đưa về trụ sở công an làm việc, gia đình có xin phép đưa ông Tùng đi cấp cứu "nhưng công an không cho". Các bác sỹ sau đó chẩn đoán ông bị tổn thương hai đốt sống cổ gây liệt tứ chi và liệt cơ hô hấp gây tắc nghẽn đường phổi.
Ông đã được phẫu thuật ngày 01/03, nhưng tình trạng xấu đi và qua đời một tuần sau đó tại bệnh viện.
Sau đó,Trung tá Nguyễn Văn Ninh, công an phường Thịnh Liệt (Hà Nội), đã bị khởi tố và bắt tạm giam để điều tra vì hành vi Cố ý gây thương tích, theo Điều 104 Bộ Luật Hình sự.

Bị đe dọa

Cô Trịnh Kim Tiến cho biết thân nhân của Trung tá Ninh đã tới nhà một vài lần "để thắp hương cho bố em".
"Thế nhưng, gia đình em vẫn nhất quyết đòi công lý."
Cách hành xử của công an phường hồi tháng Hai khi từ chối yêu cầu cấp cứu của gia đình bằng lời lẽ khiếm nhã đã gây bức xúc.
Lúc đó, theo cô Tiến, gia đình phải xin phép rất nhiều lần mới được mang ông Tùng đi khám bệnh.
"Khi đưa đến phòng cấp cứu, người ta vẫn còng tay bố em trên cáng."
Gia đình cô cũng tố cáo rằng công an khu vực đã có những hành động dọa nạt, gây phiền hà cho cháu ruột của ông Tùng là bà Trịnh Kim Ngân, người bị cơ quan công quyền nói là 'xây nhà trái phép'.
Để phạt bà Ngân, nhà xây của bà đã bị cắt điện, nước suốt từ cuối tháng Tư tới nay.

LÃNH ĐẠO TQ HÀNH XỬ TIỂU NHÂN VỚI VN

'Lãnh đạo TQ hành xử tiểu nhân với VN'

Nhà sử học Dương Trung Quốc
Đại biểu Quốc hội Trung Quốc cho rằng Quốc Hội nên thông qua luật biểu tình của người dân.
Một Đại biểu Quốc hội của Việt Nam tỏ ra ngạc nhiên và băn khoăn về việc lãnh đạo Trung Hoa có những hành xử thiếu quân tử, mà ông gọi là 'tiểu nhân' với Việt Nam.
Trao đổi với Quốc Phương của BBC Việt ngữ hôm 03/7/2011, nhà sử học Dương Trung Quốc, Đại biểu Quốc hội, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam (VN) đánh giá Trung Quốc chưa thể hiện được đúng mức vị thế của một nước lớn.
Ông cũng đưa ra lời khuyên cho Chính phủ VN cần đối phó ra sao đối với Trung Quốc (TQ) trước những căng thẳng biển, đảo hiện nay, cũng như trước tham vọng lâu dài của nước láng giềng phương Bắc.
Ông Quốc cũng đề cập tới kinh nghiệm phân định lãnh thổ với TQ có liên quan tới Thác Bản Giốc cũng như đề xuất việc Quốc hội và Nhà Nước VN nên mau chóng thông qua một đạo luật về biểu tình của người dân.
Trước hết, nhà sử học, đại biểu quốc hội này cho biết phản ứng của Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trước những hành vi được cho là cố tình gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc.
Đại biểu Dương Trung Quốc: Là cơ quan nghề nghiệp, đương nhiên vấn đề về Biển Đông, chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất nhiều rồi. Trong thời điểm này chúng tôi cũng ra một số tạp chí để phù hợp với không khí chung, thể hiện rõ một lần nữa quan điểm của giới sử học về vấn đề Biển Đông, cả về góc độ khoa học cũng như thái độ của giới sử học. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thúc đẩy nhiều hơn nữa việc nghiên cứu biển, đảo VN, vấn đề chủ quyền và truyền thống của ông, cha ta đối với việc bảo vệ chủ quyền đất nước như thế nào.
Một trong nội dung vốn là nguyên lý của Trung Hoa là tính quân tử. Tại sao những người lãnh đạo TQ hiện nay lại đang hành xử với VN, một cách thiếu quân tử, hay nói cách khác là tiểu nhân như vậy?
Ông Dương Trung Quốc
BBC:Còn quan điểm cá nhân của ông trước thái độ, hành xử gần đây của TQ?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Thực ra VN và TQ có một lịch sử rất lâu dài. Và trong 1.000 năm tự chủ của mình, người VN vẫn lấy sự hòa hiếu làm trọng. Chỉ khi nào bị xâm lược, thì chúng ta mới cầm vũ khí. Có thể nói, thái độ của ông, cha chúng ta là hết sức khôn ngoan và minh bạch. Hầu như tất cả các triều đại ngày xưa đều chấp nhận sắc phong của Trung Hoa, nhưng chưa bao giờ có một ông Vua nào của VN bước chân qua bên kia biên giới để nhận sắc phong đó cả.
Tôi có suy nghĩa như thế này, với tư cách một nước nhỏ, VN luôn muốn giữ hòa hiếu, rất nhiều giá trị của văn hóa Trung Hoa, người VN vẫn gìn giữ. Chúng tôi vẫn còn thấy những đền thờ từ rất xưa, như đền thờ ông Sỹ Nhiếp. Mặc dù ông là một quan Thái thú, nhưng bởi vì ông cũng có công đưa vào một số văn minh của Trung Hoa, người VN cũng gọi ông là Nam Giao Học Tổ. Vì thế tôi nghĩ rằng thái độ của người VN từ trước đến nay hết sức là hòa hiếu.
Thế nhưng tất cả những gì diễn ra gần đây khiến chúng tôi suy nghĩ rằng TQ là một nước lớn và bây giờ họ đang càng mong muốn thể hiện mình là nước lớn. Thế nhưng càng là nước lớn, thì càng phải có trách nhiệm đối với Thế giới và phải thể hiện được tư cách của mình. TQ có một nền văn minh rất lớn, tác động, ảnh hưởng nhiều quốc gia, trong đó có VN.
Một trong nội dung vốn là nguyên lý của Trung Hoa là tính quân tử. Tại sao những người lãnh đạo TQ hiện nay lại đang hành xử với VN, một nước nhỏ luôn ở bên cạnh mình vốn luôn giữ hòa hiếu, một cách thiếu quân tử, hay nói cách khác là tiểu nhân như vậy? Đấy là một điều chúng tôi đang băn khoăn. Những việc 'cắt cáp,' đối xử với ngư dân ngoài biển, những người dân lao động bình thường. Họ cũng như VN đều nhân danh là một chế độ luôn nhân danh đứng về phía người dân, mà sao lại đối xử như thế?
Đương nhiên, đã là một quốc gia đứng cạnh TQ, thì người VN cũng hiểu thế nào là Trung Quốc.
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
Biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội
'Hành động yêu nước'
BBC: Lãnh đạo hội Khoa học Lịch sử VN có biết gì tới một cái gọi là 'đồng thuận chung' được đề cập trong chuyến thăm và hội đàm tuần cuối tháng Sáu vừa qua ở TQ của Thứ trưởng Ngoại giao VN Hồ Xuân Sơn với các đối tác nước này?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Đương nhiên tôi nghĩ rằng tìm cách tháo gỡ để giữ lấy hòa hiếu là mục đích chung và người dân chắc cũng mong muốn như thế. Nhưng còn cái đồng thuận chung là thế nào, cho tới giờ vẫn chưa có thông tin cụ thể. Mà theo các thông tin khác, thì mỗi phía đưa ra có phần chênh nhau, khác nhau. Tôi nghĩ rằng, trước sau như một, người VN vẫn mong muốn hòa hiếu như ông, cha của mình trước đây, nhưng phải giữ được chủ quyền của đất nước.
BBCĐánh giá của ông về dư luận ở trong nước qua các cuộc biểu tình phản đối TQ vốn đã diễn trong suốt 5 tuần qua?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Sau các cuộc biểu tình đầu tiên, sau này dần dần, chúng tôi thấy trong truyền thông chính thức của nhà nước cũng đã xác nhận đấy là những hành động yêu nước của người dân. Cách thể hiện có thể chưa phù hợp lắm với chủ trương của Nhà nước về cách bày tỏ. Thế nhưng, dẫu sao việc người dân được thể hiện quan điểm của mình, tôi thấy là một điều hết sức cần thiết.
Đừng tranh luận 'biểu tình' hay 'tụ tập'. Vì bản chất biểu tình có cả hai mặt: biểu tình phản đối cũng có, biểu tình ủng hộ cũng có. Cho nên Nhà nước nên coi biểu tình là một lợi khí của mình. Nếu chúng ta biết dồn lòng dân vào một định hướng có ích cho đất nước, thì điều đó chỉ có lợi thôi.
Đại biểu Dương Trung Quốc
Tôi đã phát biểu trên một số phương tiện truyền thông trong nước rằng đừng tranh luận 'biểu tình' hay 'tụ tập'. Vì bản chất biểu tình có cả hai mặt: biểu tình phản đối cũng có, biểu tình ủng hộ cũng có. Cho nên Nhà nước nên coi biểu tình là một lợi khí của mình.
Nếu chúng ta biết dồn lòng dân vào một định hướng có ích cho đất nước, thì điều đó chỉ có lợi thôi.
Kể cả việc chúng ta mong muốn hòa bình, hữu nghị với TQ, thì việc lấy ý chí của người dân được thể hiện, tôi nghĩ cũng là một phương tiện. Vì thế tôi nghĩ rằng Quốc hội nên có một Luật Biểu tình.
Và nếu (biểu tình) đã trở thành một lợi khí, sẽ định hướng được lòng người phục vụ cho mục tiêu chung của đất nước. Và tôi nghĩ rằng điều này, nhân dân sẽ hết sức đồng thuận.
Biểu tình chống Trung Quốc
Ông Dương Trung Quốc khuyên Quốc hội Việt Nam nên thông qua một đạo Luật Biểu tình.
Lời khuyên với VN
BBC: Ông có lời khuyên gì cho Nhà nước, Chính phủ VN đối phó với các hành vi gây căng thẳng của TQ hiện nay, cũng như trước ý đồ, tham vọng lâu dài của họ đối với lãnh thổ, lãnh hải của VN về lâu về dài?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Từ góc độ của người làm sử học, đây là một vấn đề phức tạp, không đơn giản, tôi nghĩ rằng đương nhiên đã xảy ra sự đương đầu, thì cần tìm hiểu sức mạnh của VN ở đâu. Chắc chắn trong điều kiện hiện nay, đứng về mặt kinh tế cũng như quân sự, chúng ta chưa có một lợi thế nào. Nhưng như trong quá khứ, chúng ta thường đặt ra một câu hỏi là tại sao trong những thế kỷ xa xưa, thời kỳ nhà Lê, hay nhà Trần trước đó, ông cha chúng ta có thể đánh thắng những giặc ngoại xâm rất hùng mạnh như giặc Nguyên Mông, hay giải phóng khỏi giặc Minh. Lúc đó VN làm gì có điều kiện để có sự viện trợ quốc tế. Hoàn toàn là sự tự thân, tự cường của mình. Câu trả lời chính là bởi vì chúng ta có lòng dân.
Trong bối cảnh hiện nay, cái mạnh nhất của VN chính là phát huy dân chủ. Nếu phát huy được dân chủ, thì Nhà nước cũng mạnh mà đất nước càng mạnh. Tôi nghĩ TQ rất e ngại nếu có một nước VN dân chủ ở bên cạnh sườn họ
Đại biểu Dương Trung Quốc
Vì thế, trong bối cảnh hiện nay, cái mạnh nhất của VN chính là phát huy dân chủ. Nếu phát huy được dân chủ, thì Nhà nước cũng mạnh mà đất nước càng mạnh. Tôi nghĩ TQ rất e ngại nếu có một nước VN dân chủ ở bên cạnh sườn họ. Ít nhất chúng ta cũng ghi nhận một thời kỳ lịch sử, tuy không dài lắm, đó là giai đoạn kể từ năm 1945 tới năm 1950, lúc đó người VN đã có thể tự mình làm cuộc cách mạng giải phóng, giành độc lập từ tay Thực dân Pháp và đánh đổ chế độ Phong kiến VN. Thế nhưng lúc đó làm gì có một ai đứng đằng sau? Không có ai, nhưng người VN vẫn duy trì được cuộc kháng chiến chống Pháp. Cho đến năm 1950, sau Chiến thắng Biên giới, đương nhiên lúc đó hoàn cảnh quốc tế thu hút VN vào trong cuộc đụng đầu Đông - Tây, cuộc Chiến tranh Lạnh, sang một bước khác.
Nhưng rõ ràng với hoàn cảnh hoàn toàn chỉ có người VN, song với tinh thần phát huy dân chủ, tinh thần yêu nước, VN vẫn có một sức mạnh.
Thua thiệt hay không?
Thác Bản Giốc
Ông Dương Trung Quốc cho rằng Hiệp ước Biên giới Việt - Trung gần nhất đảm bảo sự yên ổn trước mắt.
BBCLiệu VN có thua thiệt gì bất hợp lý trong các cuộc phân định biên giới lãnh thổ, lãnh hải với TQ, như trong trường hợp khu vực Thác Bản Giốc? Hội Khoa học Lịch sử VN có biết gì về những thỏa thuận bí mật cấp cao giữa lãnh đạo hai nước, nếu có, và Hội có được Nhà nước tham vấn một cách thích hợp trong các thỏa thuận, phân định quan trọng cấp Nhà nước đó?
Đại biểu Dương Trung Quốc: Phân định lãnh thổ là một vấn đề rất phức tạp, với những quốc gia như VN với TQ chẳng hạn. Giữa hai nước này, trong quá khứ lịch sử xa xưa, tinh thần vẫn phải nói là phân định Bắc, Nam rõ ràng. Thế nhưng trên quan niệm nhận thức về lãnh thổ cụ thể, trên những tọa độ cụ thể, chắc lúc đó chưa rõ ràng. Sau đó chúng ta có một thời kỳ mà người Pháp đại diện cho VN thỏa thuận với TQ trong việc hoạch định biên giới. Và sau này, chúng ta vẫn lấy cơ sở là đường biên giới Pháp - Thanh làm nền tảng ban đầu. Cho nên việc phân định là vấn đề hết sức phức tạp, vì nó vừa là vấn đề lịch sử, vừa là vấn đề thực tế ở diễn biến của cả trăm năm thay đổi. Phải tính tới các tiêu chuẩn có tính chất phổ quát của quốc tế trong vấn đề phân chia ở những địa hình cụ thể.
Việc có được một Hiệp định Biên giới, ít nhất đó là một cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là với Trung Quốc - là một quốc gia luôn luôn tìm mọi cách để lấn át, với tất cả rất nhiều các thủ đoạn
Đại biểu Dương Trung Quốc
Trong quá trình làm việc về vấn đề biên giới, những người làm sử học, trong đó có các cơ quan nghiên cứu về lịch sử, vẫn được tham khảo ý kiến, đương nhiên tham gia vào một số chương trình nghiên cứu thôi, còn việc phân định là việc của Chính phủ, của cơ quan ngoại giao. Và chúng tôi cũng được biết rằng ngay trong Quốc Hội, trong quá trình chúng ta tiến hành ký kết, cũng có các cuộc trình bày ở Quốc hội cho các đại biểu quốc hội nắm vững thực tế vấn đề như thế nào.
Còn việc ngồi tính toán xem được mất như thế nào, thì chắc chắn đây là điều hết sức cụ thể. Tôi không bình luận về việc đó, nhưng tôi nghĩ rằng cho tới thời điểm bùng nổ căng thẳng trong quan hệ giữa VN-TQ, việc có được một Hiệp định Biên giới, ít nhất đó là một cơ sở pháp lý thuận lợi hơn trong việc bảo vệ chủ quyền, nhất là với Trung Quốc - là một quốc gia luôn luôn tìm mọi cách để lấn át, với tất cả rất nhiều các thủ đoạn.
Tôi nghĩ, ít nhất điều này bảo đảm sự yên ổn trước mắt. Còn vấn đề đánh giá quá khứ lịch sử, thế nào là được, thế nào là mất, tôi nghĩ phải hết sức cụ thể, chứ không thể võ đoán được.

BỘ TRƯỞNG QUỐC PHÒNG VN NHẮC 16 CHỮ VÀNG

Bộ trưởng Quốc phòng VN nhắc 16 chữ vàng

Đại tướng Phùng Quang Thanh tại Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Á Châu tại Singapore hôm 5/6/2011
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói Việt Nam 'mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu' của Trung Quốc
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói Việt Nam 'coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị' với Trung Quốc trên cơ sở 16 chữ vàng: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. 
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Thanh đã nói như vậy trong buổi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường khi ông này tới chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ đại sứ.
Lời khẳng định của Tướng Thanh được đưa ra sau những cuộc biểu tình liên tiếp phản đối Trung Quốc gây sự với Việt Nam trong vùng được coi là đặc quyền kinh tế của quốc gia thành viên ASEAN này.
Cả thảy năm cuộc biểu tình đã diễn ra và 16 chữ vàng từng được một số thành viên của cộng đồng mạng biến thành "láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai."
Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Bản tin của BấmThông tấn xã Việt Nam hôm hôm 6/7 nói: "Phát biểu tại buổi tiếp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao những đóng góp xứng đáng của Đại sứ Tôn Quốc Tường vào việc củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có quan hệ giữa quân đội hai nước.
"Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đều kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và là hai nước xã hội chủ nghĩa, có nhiều điểm tương đồng.
"Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
"Đại tướng Phùng Quang Thanh tin tưởng mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển trên tinh thần 16 chữ; hai bên cùng giải quyết thỏa đáng những vấn đề do lịch sử để lại và những vấn đề mới nảy sinh..."
Hãng thông tấn của Việt Nam cũng nói: "Đại sứ Tôn Quốc Tường nhấn mạnh Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước."
Không thấy báo chí Việt Nam nói rõ 16 chữ vàng này có được quốc hội hai nước thông qua bằng văn bản, hay chỉ là quan điểm của các nhà lãnh đạo hai đảng cầm quyền với nhau.
Về mặt chính thức, quan hệ xấu nghiêm trọng giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã từng được ghi hẳn vào một bản hiến pháp của Việt Nam giai đoạn chống Trung Quốc, thân Liên Xô nhưng câu đó đã bị bỏ.
'Không nhún nhường'
Trong khi đó một số báo chính thống của Việt Nam đang tiếp tục chạy những bài đặc biệt về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền toàn diện và không thể tranh cãi.
Hôm 7/7, trang tin VietnamNet cũng phỏng vấn Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Việt Nam về việc trang bị thêm tàu lớn và máy bay cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Ông Lĩnh nói Việt Nam sẽ dùng các biện pháp "hòa bình" để bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển "của Việt Nam":
"Nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không có chuyện nhún nhường.
Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Việt Nam
"Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, mà của Việt Nam."
Ông Lĩnh thừa nhận trang thiết bị cho cảnh sát biển Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi biển dài ngày và sự cần thiết phải "bám dân" làm ăn trên biển.
Ông nói với BấmVietnamNet: "Nhu cầu thì nhiều, nhưng đáp ứng thì từng bước theo mức phát triển của nền kinh tế. Chúng ta chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước.
"Một, trang bị tàu thuyền, hai là máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn, ba là con người.
"Con người đã đào tạo, chủ yếu lấy từ quân chủng hải quân, rồi các đơn vị khác của Bộ quốc phòng, cho phép lấy người của các đơn vị, các trường khác có đào tạo ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển.
"Về thiết bị, trước mắt, chúng ta lo đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày. Có như vậy thì mới có thể duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển thường xuyên được, mới bám được dân. Ra dăm bữa nửa tháng, 20 ngày rồi về thì không thể bám được.
"Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
"Các tàu còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có cả sàn đỗ máy bay trực thăng, có buồng quân y, có 12 giường bệnh, cùng một lúc cấp cứu được 120 người. Khi có tàu này thì bà con có thể yên tâm. Cần là lực lượng cảnh sát biển có mặt. Tốc độ cũng đảm bảo đủ để thực hiện nhiệm vụ," tướng Lĩnh cho biết.