Friday, July 8, 2011

YINGLUCK VÀ THAKSIN TRONG CHIẾN TRƯỜNG THÁI



Bà Yingluck và Pheu Thai đang nhanh chóng thành lập nội các sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử mới đây.
Chỉ mới chừng hơn sáu tuần trước, nữ doanh nhân Yingluck Shinawatra đồng ý ra tranh cử lần đầu tiên. Hôm nay, bà đang chuẩn bị trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan.
Ấn bản điện tử của báo The Guardian hôm 5/7 trong bài "Yingluck Shinawatra: Tân thủ tướng Thái Lan bước ra khỏi cái bóng của người anh trai" nhận định rằng dẫu mô hình chung ở Á châu cho thấy đằng sau một người phụ nữ thành công luôn là một người đàn ông quyền lực, nhưng vị lãnh đạo mới của chính trường Thái lại là một ngoại lệ.
Với bà Yingluck, người đàn ông quyền lực hẳn nhiên chính là người anh trai, ông Thaksin Shinawatra. Vẫn để dấu ấn mạnh mẽ trong nền văn hóa chính trị Thái Lan, nhà cựu lãnh đạo nay đang sống lưu vong.
Thaksin trở về?
Mới đây, báo điện tử asiaone.com trích lời một nguồn tin từ Đảng Pheu Thai nói hôm 05/7 rằng ông Thaksin nhiều khả năng sẽ được bổ nhiệm làm "đại sứ thương mại" của Thái trong chính phủ của em gái, bà Yingluck.

Ông Thaksin vẫn có ảnh hưởng lớn tới chính trường Thái Lan
Việc bổ nhiệm dự kiến sẽ được loan báo sau việc thành lập nội các.
Cũng nguồn tin trên nói rằng với việc có quan hệ tốt trong giới doanh nhân và chính trị gia hàng đầu ở nhiều nước khác nhau, cùng những kinh nghiệm cá nhân sâu rộng, Thaksin sẽ rất hữu ích cho tân chính phủ trong việc quảng bá cho Thái Lan trong các cuộc đàm phán thương mại.
Cố vấn pháp lý của ông Thaksin, Noppadon Pattama nói ông tin rằng vị cựu thủ tướng sẽ rất hài lòng đón nhận vị trí này.
Tuy nhiên, ông nói thêm rằng đại sứ thương mại không phải là một vị trí chính trị và người đảm nhiệm vai trò này sẽ không có quyền lực pháp lý.
Vai trò hậu trường
Được biết sau khi Pheu Thai rõ ràng giành chiến thắng trong kỳ bầu cử hôm Chủ Nhật, ông Thaksin đã gọi điện cho lãnh tụ các đảng phái chính trị nhỏ hơn, dự kiến sẽ cùng tham gia liên minh, gồm Chart Thai Pattana, Chart Pattana Puea Pandin và Palang Chon, tin từ một trong các đảng này nói.
Một nguồn khác từ Chart Pattana Puea Pandin nói ông Thaksin đã kêu gọi chính trí gia Suwat Liptapanlop, vốn bị cấm hoạt động và người trên thực tế là lãnh tụ đảng này, hãy thảo luận về các vị trí trong nội các.
Trong nội bộ Pheu Thai, các phe nhóm khác nhau trong đảng đang vận động ráo riết để kiến ghế trong nội các cùng ông Thaksin và họ hàng thân cận của ông.

Không áp đảo trong cuộc tranh luận với ông Abhisit, nhưng Yingluck lại rất được lòng cử tri qua những lần xuất hiện trước đám đông.
Dấu ấn cá nhân
Yingluck không phải là trường hợp đầu tiên phụ nữ lên nắm quyền ở Á châu.
Hồi năm 1996, Sirimavo Bandaranaike của Sri Lanka, nữ thủ tướng đầu tiên trên thế giới, đã đứng lên đảm nhận trọng trách sau khi chồng bà bị ám sát. Rồi sau đó, con gái bà là Chandrika Kumaratunga trở thành tổng thống.
Hay như trường hợp bà Benazir Bhutto của Pakistan, bà Indira Gandhi của Ấn Độ, hay bà Megawati Sukarnoputri của Indonesia, đều là những người tiếp nối con đường của cha mình.
Tại Philippines, cả Corazon Aquino và Gloria Macapagal-Aroyo đều lên nắm quyền thay cho cha, cho chồng, thế còn Sheikh Hasina Wajed, con gái của vị tống thống đầu tiên của Bangladesh, thì hai lần lên làm thủ tướng, và trong khoảng thời gian giữa hai lần đó thì vị trí thủ tướng thuộc về bà Khaleda Zia, người vợ góa của tổng thống.
Nếu yêu quý anh tôi, liệu các bạn có trao cho em gái của ông một cơ hội không?
Yingluck Sinawatra
Ở Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, người dẫn dắt cuộc kháng chiến chống lại chính quyền quân nhân, là con gái của vị anh hùng Aung San. Wan Azizah Wan Ismail đã lãnh đạo phe đối lập Malaysia khi chồng bà Anwar Ibrahim bị hất cẳng và bỏ tù.
Có một điểm chung trong các trường hợp này. Họ đều ở các quốc gia chưa từng có nhà nữ lãnh đạo nào trong lịch sử, không có những gương mặt tự mình tạo dựng nên sự nghiệp như Angela Merkel, Margaret Thatcher hai Julia Gillard.
Thay vào đó, các gương mặt nữ ở Á châu nổi lên sau khi những người đàn ông đã rời chính trường, hoặc do bị giết, hoặc vì lý do khác mà không còn nắm giữ vai trò được nữa. Và thường là bởi không còn người đàn ông nào khác trong gia đình có thể tiếp tục gánh vác sự nghiệp, chẳng hạn như các con trai còn quá non trẻ, hoặc những người khác trong dòng họ không sắn sàng đảm đương vị trí.
Bà Yingluck không đi theo bước chân anh trai. Bà coi ông Thaksin, lớn hơn bà 17 tuổi, như người cha thứ hai.
Năm nay 44 tuổi và là em út trong số chín anh chị em, bà thường đặt câu hỏi trong quá trình vận động tranh cử: "Nếu yêu quý anh tôi, liệu các bạn có trao cho em gái của ông một cơ hội không?"
Con đường chính trị của bà có vẻ như bằng phẳng hơn so với các nhà nữ lãnh đạo khác ở Á châu.
Nhiều người Thái tự hào vị đã chọn được một vị nữ lãnh tụ. Một cuộc khảo sát do báo Matichon tiến hành đã hỏi người dân về việc có một nữ thủ tướng, và kết quả là 70% số người được hỏi nói đây là bước đi đúng đắn, một chỉ dấu về sự bình đẳng.
Đó chính là điểm mạnh của bà ấy, và vấn đề nằm ở chỗ cần biến điểm mạnh thành điểm yếu như thế nào... Nhưng ban vận động tranh cử của chúng tôi đã quyết định không đụng tới điểm này.
Surichoke Sopha, dân biểu Đảng Dân chủ
Trên thực tế, ông Thaksin đã từng được thay thế bởi đồng minh Samak Sundaravej và em rể Somchai Wongsawat - cả hai sau đó đều bị bãi chức - trước khi ông đề nghị người em gái út ra tranh cử.
Vào lúc bắt đầu cuộc tranh cử, nhiều người coi bà Yingluck chỉ như một con rối và đặt câu hỏi về việc đề cử bà. Nhưng, "thực tế hóa ra đó lại là một lựa chọn vô cùng thông minh," Kein Hewson, chuyên gia về Thái Lan tại Đại Họi North Caroline nói. "Bà ấy đã tiếp lửa cho chiến dịch."
Tuy không dày dạn kinh nghiệm nhưng bà đã học hỏi vô cùng nhanh chóng. Được bảo bọc bởi những chính trị gia kỳ cựu, bà nói chuyện với anh trai đôi ba lần một tuần, và luôn bám sát nội dung tài liệu soạn sẵn. Không xuất sắc trong cuộc tranh luận với thủ tướng Abhisit Vejjajiva, điểm có thể bị coi là yếu kém của bà, nhưng Yingluck đã chiếm được cảm tình của những đám đông cử tọa trong suốt quá trình vận động.
Sức mạnh nữ tính

Ông Aphishit cảm nhận được khó khăn trong cuộc đua.
Đảng Dân chủ của ông Abhisit nói họ cảm nhận được sự khó khăn khi đối đầu với đảng Phua Thai của bà Yingluck, bởi họ không muốn bị coi là bắt nạt phụ nữ.
Surichoke Sopha, một dân biểu thuộc Đảng Dân chủ nói sự nữ tính của Yingluck đẩy đảng của ông vào thế phòng ngự. "Đó chính là điểm mạnh của bà ấy, và vấn đề nằm ở chỗ cần biến điểm mạnh thành điểm yếu như thế nào... Nhưng ban vận động tranh cử của chúng tôi đã quyết định không đụng tới điểm này."
Tuy nhiên, giới phân tích nói rằng một khi lên nắm quyền, bà cũng sẽ rơi vào tình thế như bất kỳ một vị lãnh đạo nam giới nào khác giữa cuộc xung đột chính trị dai dẳng, cay đắng. Anh trai bà đã phân chia chính trị Thái Lan: ông được coi là người hùng của người nghèo nông thôn, nhưng giới trung lưu và thượng lưu nơi thành thị lại coi ông là độc đoán và tham nhũng.
Tỏ ý sẽ dẫn dắt đất nước theo cách riêng của mình, nhưng việc bà đón nhận những lời cố vấn từ ông Thaksin trong việc ra các quyết định quan trọng sẽ khiến bà Yingluck bị giới quan sát nghi ngại, nhất là với việc đảng Phua Thai có vẻ như muốn áp lệnh ân xá, mở đường cho ông Thaksin trở về.
Nhiều cử tri nữ bỏ phiếu cho bà Yingluck với hy vọng bà sẽ có những mối ưu tiên riêng, xử lý các vấn đề có ảnh hưởng nhiều tới phụ nữ.
Tuy nhiên, Virada Somswadi, sáng lập viên của chương trình nghiên cứu phụ nữ tại Đại Học Chiang Mai nói với tờ Bangkok Post rằng Yingluck bước chân vào chính trị "bởi những thành phần chính trị khác. Bà ấy không thể là đại diện cho các nhóm phụ nữ, bởi bà ấy chưa từng thể hiện tầm nhìn riêng hay quan điểm riêng trong việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ."

0 nhận xét :