Bộ trưởng Quốc phòng VN nhắc 16 chữ vàng
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh nói Việt Nam 'coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị' với Trung Quốc trên cơ sở 16 chữ vàng: láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai.
Thông tấn xã Việt Nam đưa tin ông Thanh đã nói như vậy trong buổi tiếp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Tôn Quốc Tường khi ông này tới chào nhân dịp kết thúc nhiệm kỳ đại sứ.
Lời khẳng định của Tướng Thanh được đưa ra sau những cuộc biểu tình liên tiếp phản đối Trung Quốc gây sự với Việt Nam trong vùng được coi là đặc quyền kinh tế của quốc gia thành viên ASEAN này.
Cả thảy năm cuộc biểu tình đã diễn ra và 16 chữ vàng từng được một số thành viên của cộng đồng mạng biến thành "láng giềng khốn nạn, cướp đất toàn diện, lấn biển lâu dài, thôn tính tương lai."
Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
Đại tướng Phùng Quang Thanh
Bản tin của BấmThông tấn xã Việt Nam hôm hôm 6/7 nói: "Phát biểu tại buổi tiếp, Đại tướng Phùng Quang Thanh khẳng định Đảng, Nhà nước, nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đánh giá cao những đóng góp xứng đáng của Đại sứ Tôn Quốc Tường vào việc củng cố, phát triển quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó có quan hệ giữa quân đội hai nước.
"Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị, “đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc; Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, đều kiên định sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và là hai nước xã hội chủ nghĩa, có nhiều điểm tương đồng.
"Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
"Đại tướng Phùng Quang Thanh tin tưởng mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố và phát triển trên tinh thần 16 chữ; hai bên cùng giải quyết thỏa đáng những vấn đề do lịch sử để lại và những vấn đề mới nảy sinh..."
Hãng thông tấn của Việt Nam cũng nói: "Đại sứ Tôn Quốc Tường nhấn mạnh Đảng, Chính phủ và nhân dân Trung Quốc hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam; khẳng định sẽ tiếp tục đóng góp vào sự phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết, hợp tác toàn diện giữa hai nước."
Không thấy báo chí Việt Nam nói rõ 16 chữ vàng này có được quốc hội hai nước thông qua bằng văn bản, hay chỉ là quan điểm của các nhà lãnh đạo hai đảng cầm quyền với nhau.
Về mặt chính thức, quan hệ xấu nghiêm trọng giữa Hà Nội và Bắc Kinh đã từng được ghi hẳn vào một bản hiến pháp của Việt Nam giai đoạn chống Trung Quốc, thân Liên Xô nhưng câu đó đã bị bỏ.
'Không nhún nhường'
Trong khi đó một số báo chính thống của Việt Nam đang tiếp tục chạy những bài đặc biệt về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần đảo mà Trung Quốc tuyên bố có chủ quyền toàn diện và không thể tranh cãi.
Hôm 7/7, trang tin VietnamNet cũng phỏng vấn Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Việt Nam về việc trang bị thêm tàu lớn và máy bay cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam.
Ông Lĩnh nói Việt Nam sẽ dùng các biện pháp "hòa bình" để bảo vệ chủ quyền tại các vùng biển "của Việt Nam":
"Nếu nước ngoài đến thăm dò dầu khí của Việt Nam, đã là chủ quyền của mình, mình bảo vệ đến cùng. Chúng ta không có chuyện nhún nhường.
Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
Trung tướng Phạm Đức Lĩnh, Cục trưởng Cục Cảnh sát Biển Việt Nam
"Đây không phải là vùng biển chồng lấn, tranh chấp gì cả, mà của Việt Nam."
Ông Lĩnh thừa nhận trang thiết bị cho cảnh sát biển Việt Nam còn chưa đáp ứng được nhu cầu đi biển dài ngày và sự cần thiết phải "bám dân" làm ăn trên biển.
Ông nói với BấmVietnamNet: "Nhu cầu thì nhiều, nhưng đáp ứng thì từng bước theo mức phát triển của nền kinh tế. Chúng ta chọn lọc những gì cần nhất, cấp bách nhất thì đầu tư trước.
"Một, trang bị tàu thuyền, hai là máy bay, để nâng cao tầm hoạt động và hiệu quả bao quát tốt hơn, ba là con người.
"Con người đã đào tạo, chủ yếu lấy từ quân chủng hải quân, rồi các đơn vị khác của Bộ quốc phòng, cho phép lấy người của các đơn vị, các trường khác có đào tạo ngành phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cảnh sát biển.
"Về thiết bị, trước mắt, chúng ta lo đầu tư tàu có độ giãn nước lớn, hoạt động dài ngày. Có như vậy thì mới có thể duy trì sự có mặt của cảnh sát biển trên biển thường xuyên được, mới bám được dân. Ra dăm bữa nửa tháng, 20 ngày rồi về thì không thể bám được.
"Tới đây, đầu năm 2012, chúng ta sẽ có tàu 20.000 tấn, có thể chạy 40 ngày đêm trên biển, trong điều kiện thời tiết phức tạp, gió cấp 12, sóng cấp 9. Sắp tới ưu tiên đầu tư thêm tàu, máy bay.
"Các tàu còn có nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, có cả sàn đỗ máy bay trực thăng, có buồng quân y, có 12 giường bệnh, cùng một lúc cấp cứu được 120 người. Khi có tàu này thì bà con có thể yên tâm. Cần là lực lượng cảnh sát biển có mặt. Tốc độ cũng đảm bảo đủ để thực hiện nhiệm vụ," tướng Lĩnh cho biết.
0 nhận xét :
Post a Comment