Ngày 14.8 vừa qua, tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh phía bắc Trung Quốc đã diễn ra một cuộc biểu tình vì môi trường. Cuộc biểu tình đã nhanh chóng thu hút hàng chục nghìn người tham dự nhằm gây sức ép, yêu cầu chính quyền địa phương phải di dời khẩn cấp nhà máy hóa chất Fujia ra khỏi khu dân cư của họ sau khi những cột sóng cao do cơn bão Muifa đã xé nát bờ đê bảo vệ nhà máy này vài ngày trước đó.
Trước áp lực của cuộc biểu tình, chính quyền địa phương đã đồng ý đóng cửa nhà máy hóa chất này ngay lập tức và cam kết sẽ di dời nhà máy này ra khỏi Khu công nghiệp cảng Đại Liên trong thời gian sớm nhất.
Đây không phải là lần đầu tiên cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra tại Trung Quốc. Năm 2007, tại thành phố Hạ Môn, đông nam Trung Quốc cũng xảy ra một cuộc biểu tình tương tự khi người dân yêu cầu di dời một nhà máy hóa chất do Đài Loan đầu tư và cũng được chính quyền tại đây chấp thuận cho di dời nhà máy này ra khỏi khu trung tâm.
Nêu lại những sự kiện này để thấy rằng khi sống trong một môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm nặng thì yêu cầu của người dân về một môi trường sống an toàn, không nhiễm hóa chất độc hại là một yêu cầu chính đáng. Ngay lập tức, yêu cầu này thu hút sự ủng hộ của đông đảo người dân ở mọi tầng lớp trong xã hội. Và chính quyền địa phương đã phải đáp ứng nguyện vọng chính đáng này của người dân.
Biểu tình ở Đại Liên đòi chính quyền đóng cửa nhà máy hóa chất |
Tại Trung Quốc, hàng năm có rất nhiều cuộc biểu tình xảy ra. Trong đó, ô nhiễm môi trường và chất thải độc hại là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng bất ổn xã hội trong thời gian gần đây.
Trước hàng loạt vụ bê bối về môi trường và an toàn thực phẩm xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, có thể thấy đây là hệ quả của quá trình phát triển quá "nóng" của Trung Quốc. Trong hoạch định chính sách cũng như quy hoạch phát triển đô thị, nhiều địa phương đã bỏ qua yếu tố an toàn cho môi trường sống của người dân để ưu tiên cho phát triển kinh tế.
Những dấu hiệu trên đây tại Trung Quốc cũng là thực trạng chung và cũng là một bài toán nan giải tại Việt Nam hiện nay.
Với tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa diễn ra khá nhanh, kết hợp với sự gia tăng về dân số tại các khu công nghiệp, khu đô thị lớn và nhất là thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm, chỉ biết chạy theo lợi nhuận của rất nhiều doanh nghiệp đã khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng thêm nghiêm trọng.
Hàng loạt vụ việc gây ô nhiễm môi trường đã được phát hiện trong thời gian qua và cũng đã có rất nhiều đơn vị, cá nhân bị các cơ quan chức năng xử lý nhưng xem ra vẫn không đủ tính răn đe. Nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng hơn vẫn liên tục được phát hiện.
Có thể kể ra ngay những vụ việc điển hình về vi phạm môi trường đã từng thu hút sự quan tâm của dư luận gần đây như vụ xả nước thải tại cụm công nghiệp Tham Lương, TP.HCM; vụ xả lượng nước thải ước đạt 500.000 m3/ngày từ các nhà máy giấy, bột giặt, nhuộm, dệt ở thành phố Thái Nguyên; vụ khai thác khoáng sản ở đầu nguồn trên các con sông tại miền Trung, ... đặc biệt là vụ xả nước thải ra sông Thị Vải của Công ty Vedan gây chấn động dư luận và mới đây là phát hiện của các cơ quan chức năng về việc công ty Sonadezi Long Thành xả nước thải chưa qua xử lý ra môi tròng trong một thời gian dài ...
Tại Việt Nam, những đánh giá về tác hại của những vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường trước đây thường mang tính ước lượng, chỉ dừng lại ở mức độ thiệt hại về kinh tế mà chưa có những đánh giá tác hại toàn diện đến môi trường và sức khỏe của con người. Ví dụ như vụ xả nước thải nghiêm trọng của Công ty Vedan, mức xử phạt của nhà nước và đền bù cho người dân cũng chỉ dựa vào đánh giá và khai báo thiệt hại về kinh tế của những người liên quan là chính, còn việc đánh giá lượng nước thải này có ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và thế hệ mai sau hay không thì dường như vẫn chưa được xem xét đến.
Những vụ việc gây ô nhiễm môi trường thường không quá khó để phát hiện nếu người dân và chính quyền địa phương cùng nhau giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất trên địa bàn của mình và dám tranh đấu đến cùng.
Đấu tranh và theo đuổi đến cùng nhằm bảo vệ một môi trường sống tốt đẹp cho chúng ta và thế hệ mai sau là một việc làm hợp lý và cần kíp hơn bao giờ hết. Vì một môi trường trong sạch, chúng ta không thể chờ đợi một ân huệ hay lòng trắc ẩn của các ông chủ doanh nghiệp mà cần phải mạnh dạng nêu ra yêu cầu của mình với chính quyền địa phương và yêu cầu chính đáng này cần được các cơ quan thực thi pháp luật xem xét, bảo vệ.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần rà soát lại thật kỹ các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nằm gần khu dân cư đang sinh sống, đồng thời trong quá trình quy hoạch phát triển cho tương lai, các nhà hoạch định hay cấp phép đầu tư cũng cần phải xem yếu tố đảm bảo vệ sinh môi trường, những cam kết trước khi thực hiện dự án là điều kiện tiên quyết trước khi cấp phép đầu tư. Và người dân có quyền tham gia giám sát những cam kết này. Sự giám sát này là cần thiết vì đấu tranh cho môi trường sống trong sạch sẽ chẳng bao giờ là thừa thải.
Khi sống trong một môi trường bị ô nhiễm vì chất thải độc hại hay có nguy cơ ô nhiễm, người dân cần có thái độ dứt khoát để tránh những di hại có thể xảy ra trong hiện tại và tương lai. Bởi đơn giản là sẽ không có một giá trị kinh tế nào có thể bù đắp được cho một thế hệ tương lai luôn phải mang trong mình những di chứng về sức khỏe do môi trường sống bị ô nhiễm.
0 nhận xét :
Post a Comment