Theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi số môn thi và khối thi ĐH, CĐ. Theo đó, cần thi nhiều môn (hiện nay 3 môn) và dù là ngành nào cũng bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội.
Đó là quan điểm đổi mới đối với kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Ông Ga cho rằng trong lộ trình từng bước đổi mới kỳ thi này, từ nay đến năm 2015 cần thay đổi quy định về số môn thi và khối thi tuyển vào ĐH, CĐ.
Bắt đầu từ kết quả thi môn lịch sử thấp đến không ngờ trong tuyển sinh năm nay. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng:
- Môn lịch sử, cũng như các môn xã hội, sẽ khó có thể tạo ra sự thay đổi một cách đột biến trong cách học tập và kết quả của thí sinh nếu không thay đổi cách thi cử hiện nay. Cách thi hiện nay khiến phần lớn thí sinh coi nhẹ các môn xã hội như ngữ văn, lịch sử khi chọn các khối thi khác. Ngay cả những thí sinh chọn thi khối C vì bất đắc dĩ cũng học đối phó...
* Với quan điểm phải đổi mới cách thi không chỉ vì cải thiện thái độ và phương pháp học tập của thí sinh với môn lịch sử nói riêng và các môn xã hội nói chung, mà còn nhằm có phương thức thi cử hợp lý và hiệu quả hơn, Bộ GD-ĐT sẽ có định hướng đổi mới kỳ thi tuyển sinh năm tới ra sao, thưa ông?
- Quan điểm của tôi là nên thi ĐH bằng nhiều môn chứ không nên quy định cứng nhắc khối thi và môn thi bắt buộc cho từng khối như hiện nay. Định hướng lâu dài là nên đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH theo hướng tổ chức thi nhiều môn khác nhau trong một đợt thi ba ngày. Thí sinh có thể lựa chọn đăng ký dự thi những môn phù hợp với nguyện vọng xét tuyển của mình. Các trường ĐH công bố trước tổ hợp 3-4 môn thi để xét tuyển chọn vào trường cho từng ngành học.
Các trường được lựa chọn môn thi tuyển phù hợp với ngành nghề đào tạo, nhưng theo tôi, trong đó ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội. Điều đó là cần thiết vì dù học ngành nào, làm việc trong lĩnh vực nào, một con người không thể thiếu kiến thức khoa học xã hội, thiếu khả năng viết hoặc thể hiện suy nghĩ, ý tưởng... Ở bất cứ ngành nào, có chuyên môn vững vàng nhưng vẫn cần thiết phải có kiến thức khoa học xã hội, nắm vững các giá trị nhân văn nhất định mới có thể dễ đi đến thành công. Nhất là trong bối cảnh xã hội tri thức hiện nay, ngày càng đòi hỏi nhân lực trình độ cao phải có sự cân đối giữa kiến thức khoa học kỹ thuật và khoa học xã hội nhân văn.
Thay đổi cách thi và yêu cầu tuyển chọn như vậy sẽ đòi hỏi học sinh và nhà trường phổ thông không thể học lệch, thi lệch... Quan điểm của tôi là người học phải học đều, không được coi nhẹ môn nào, nhất là ngữ văn và lịch sử, không thể duy trì cách học, cách thi như hiện nay được. Nếu thay đổi một cách căn cơ, đồng bộ cả trong cách dạy, cách học và cách thi cử thì mới có hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, thí sinh dự thi ngành nào cũng nên bắt buộc phải có một môn khoa học xã hội. Trong ảnh: thí sinh dự thi vào Trường ĐH Mở TP.HCM năm 2011 trao đổi bài sau khi thi - Ảnh: N.HÙNG |
* Nếu được nhìn nhận tích cực như vậy, liệu định hướng đổi mới này có được đặt ra và áp dụng từ kỳ thi tuyển sinh năm 2012?
- Đổi mới về thi cử, thay đổi phương thức tuyển sinh liên quan đến quyền lợi của hàng triệu thí sinh. Vì vậy, cần có sự chuẩn bị không chỉ về phía Bộ GD-ĐT hay các trường ĐH, CĐ, mà cả cho thầy cô giáo và học sinh ở bậc THPT. Để có thể áp dụng được phương thức tuyển sinh mới, tôi cho rằng phải có một lộ trình ít nhất ba năm, để các em học sinh ngay từ khi mới bước vào THPT đã có định hướng và sự chuẩn bị thích ứng với phương thức thi cử mới.
Vì vậy, kỳ thi tuyển sinh năm 2012 sẽ là năm mở đầu cho lộ trình đổi mới thi cử. Từ nay đến năm 2015, Bộ GD-ĐT sẽ đổi mới từng bước để tiến tới mục tiêu đổi mới cơ bản thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh ĐH. Mỗi giải pháp kỹ thuật, những thay đổi trong phương thức thi cử dự kiến được áp dụng sẽ được bộ thông báo rộng rãi. Chúng tôi mong muốn nhận được sự quan tâm và đóng góp ý kiến của xã hội về vấn đề này.
* Kết quả thấp bất ngờ trong cuộc thi Olympic toán học năm 2011 đang đặt ra vấn đề cần áp dụng trở lại quy định xét tuyển thẳng vào ĐH đối với học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nhằm khuyến khích và thu hút các em. Dường như thứ trưởng và Bộ GD-ĐT cũng ủng hộ quan điểm này?
- Trước đây chúng ta đã có chính sách xét tuyển thẳng vào ĐH đối với những học sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Còn đối với học sinh trong các đội tuyển dự thi Olympic quốc tế hiện nay vẫn được tuyển thẳng. Nhưng việc tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia trước đây cho thấy không phải là một giải pháp tốt nhất có thể áp dụng đại trà để khuyến khích người học giỏi.
Vì vậy, tôi ủng hộ việc xem xét có chính sách xét tuyển thẳng đối với học sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia nhưng chỉ xét vào những ngành khoa học cơ bản, đào tạo gắn liền với môn các em đã đoạt giải. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu, lấy ý kiến về việc này. Nếu khả thi và hợp lý, có thể áp dụng chính sách xét tuyển thẳng học sinh đoạt giải quốc gia vào các ngành đào tạo khoa học cơ bản từ năm tới.
Tôi cho rằng nên coi việc xét tuyển thẳng vào ĐH đúng ngành đào tạo khoa học cơ bản phù hợp với môn học sinh đoạt giải quốc gia, quốc tế như một động lực, tạo điều kiện cho các em phát huy năng lực, sở trường bản thân, có lợi cho đất nước và nền khoa học. Không nên coi chính sách tuyển thẳng là một phần thưởng...
0 nhận xét :
Post a Comment