Thoát vị đĩa đệm cột sống (nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng) là một bệnh thường gặp, nếu không được chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp, có thể gây tàn phế suốt đời.
Tự chữa thoát vị đĩa đệm bằng xà đơn tại nhà. Ảnh minh họa.
|
Hiện đã có nhiều phương pháp điều trị thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, tôi xin chia sẻ thêm phương pháp điều trị: Kéo giãn cột sống thắt lưng tự nhiên theo phương thẳng đứng bằng trọng lượng cơ thể.
Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống là tình trạng nhân nhầy đĩa đệm cột sống thoát ra khỏi vị trí bình thường trong vòng sợi, chèn ép vào ống sống hay các rễ thần kinh sống và có sự đứt rách vòng sợi gây nên hội chứng thắt lưng hông điển hình (triệu chứng đau và chèn ép thần kinh trên lâm sàng).
Đĩa đệm có thể thoát vị ra trước hoặc vào phần xốp của thân đốt sống, nhưng phần lớn là thoát vị ra sau vào ống sống, trong đó thể sau - bên là phổ biến nhất.
Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (TVĐĐ CSTL) là căn bệnh phổ biến nhất trong nhóm bệnh TVĐĐ, do nhân nhầy chèn vào đám rối thần kinh thắt lưng - cùng gây ra hội chứng thắt lưng hông gây đau và rối loạn cảm giác chân bên bị chèn ép (TVĐĐ sau - bên) hoặc cả hai chân (TVĐĐ sau - giữa).
Triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh
Triệu chứng TVĐĐ cột sống thắt lưng (CSTL) biểu hiện bởi hai hội chứng. Thứ nhất là hội chứng cột sống, với dấu hiệu dễ nhận thấy nhất là đau CSTL. Khởi đầu đau cấp tính đột ngột, sau đó giảm dần và hay tái phát trở thành mạn tính. Đau lan dần xuống các khu vực của các rễ thần kinh bị chèn ép chi phối. Có thể kèm theo rối loạn cảm giác (dị cảm) như nóng rát, tê bì, kiến bò. Đau có thể tăng lên khi ho, hắt hơi, thay đổi tư thế...
Hội chứng thứ hai là hội chứng rễ thần kinh, với các biểu hiện đau lan dọc theo rễ thần kinh chi phối bị chèn ép; rối loạn cảm giác lan dọc theo các dải cảm giác mà rễ thần kinh chi phối bị chèn ép; teo cơ do rễ thần kinh chi phối bị chèn ép, có thể teo từng nhóm cơ hoặc cả chân…
Nguyên nhân bệnh phổ biến nhất là sai tư thế trong lao động, tập luyện như: Mang vật nặng, cúi xuống nhấc vật nặng lên; do lực tác động mạnh vào cột sống (chấn thương, bị gậy thúc vào lưng, cây hoặc cột điện đổ đè vào lưng…); ngồi sai tư thế hoặc tập thể dục không đúng cách. Ngoài ra còn đến từ nguyên nhân nội tại như do thoái hóa tự nhiên hoặc do bệnh lý cột sống như gai đôi đốt sống, thoái hóa đốt sống, gù vẹo cột sống…
Giải pháp điều trị qua kinh nghiệm bản thân
Năm 2010, tự nhiên tôi bị đau thắt lưng, đau bên phải nhiều hơn, đau lan xuống mặt sau đùi phải và mặt trước ngoài cẳng chân phải. Buổi chiều đi làm về, tôi phải nằm ngửa từ 30-60 phút mới đỡ đau. Sau khoảng 2 tháng thấy xuất hiện cảm giác nóng rát mặt trước trong cẳng chân phải.
Tôi đã đi khám ở BV Quân y 354 và BV Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kết quả chụp cộng hưởng từ bị TVĐĐ CSTL (L5-S1) sau - bên phải. Tôi đã điều trị ngoại trú tại BV Quân y 345 một tháng bằng phương pháp thủy châm (với thuốc), thuốc y học cổ truyền và kéo giãn cột sống (tư thế nằm). Bệnh có đỡ, nhưng chỉ một thời gian sau bệnh tái phát. Tôi lại điều trị ngoại trú một tháng tại BV Châm cứu Trung ương bằng phương pháp thủy châm, xoa bóp và kéo giãn cột sống, bệnh ổn định được một thời gian, sau đó lại tái phát.
Năm 2011, tôi trao đổi tình hình bệnh tật của mình và thực hiện lời khuyên của PGS.TS Đặng Kim Thanh, Phó Trưởng khoa Y học cổ truyền, ĐH Y Hà Nội và tiến hành điều trị bằng phương pháp kéo giãn CSTL tự nhiên theo phương thẳng đứng bằng trọng lượng cơ thể. Tôi làm một xà đơn tại nhà và vận động anh em làm thêm ba xà đơn tại cơ quan. Tôi tranh thủ treo xà mỗi khi có thể cả ở nhà và ở cơ quan. Kết quả giảm đau khá nhanh, cảm giác nóng rát cũng giảm đi rõ rệt, bệnh ổn định (thi thoảng đau nhẹ khi ngồi họp lâu hoặc ngồi ô tô đi công tác đường dài). Qua kinh nghiệm tự điều trị bệnh của bản thân, tôi xin chia sẻ phương pháp này cùng bạn đọc.
Phương pháp xà đơn: Treo người trên xà đơn để kéo giãn CSTL tự nhiên theo phương thẳng đứng bằng trọng lượng cơ thể. Trong khi treo, có thể hơi gập, ưỡn và xoay nhẹ hai chân (để tăng sự bền vững của dây chằng sau co giãn, xơ hóa dây chằng).
Ưu điểm của phương pháp này là tự nhiên, ít tốn kém và rất hiệu quả. Nhược điểm của phương pháp này là có thể ngã (do bất cẩn hoặc ở người có hội chứng tiền đình) hoặc đau một nhóm cơ nào đó (do không khởi động kỹ trước khi treo xà)… Để khắc phục nhược điểm trên, nên làm xà đơn thấp (kiễng chân là bám được xà, sau đó co bàn chân vuông góc với cẳng chân sẽ không chạm mặt sàn), không nên làm xà đơn quá cao phải nhảy lên mới bám được xà (đề phòng ngã do thay đổi huyết áp và rối loạn tiền đình) và khi nhảy xuống lại tăng áp lực cho cột sống. Mặt khác nên khởi động kỹ toàn thân nhất là hai tay và hai khớp vai trước khi treo xà.
Phương pháp xà kép: Treo người trên xà kép cũng nhằm kéo giãn CSTL tự nhiên theo phương thẳng đứng bằng trọng lượng cơ thể. Ưu điểm của xà kép so với xà đơn là thời gian treo người lâu hơn và ít xảy ra ngã hoặc đau cơ. Nhược điểm của xà kép là lực kéo ít hơn (từ ngực trở xuống) so với xà đơn (trọng lượng toàn thân).
0 nhận xét :
Post a Comment