Bạn có thường xuyên đóng ứng dụng iOS để tiết kiệm pin và làm tăng RAM trống hay không? Nếu có, hãy đọc bài viết này.
Dù smartphone đã trở thành sản phẩm hết sức quen thuộc với người dùng, rất nhiều người vẫn mang những suy nghĩ vô cùng sai lầm về chiếc điện thoại "thông minh" của mình. Hãy cùng điểm qua 7 suy nghĩ sai lệch vẫn được rất nhiều người "rao giảng".
Đóng ứng dụng sẽ giúp tăng tốc (và tiết kiệm pin) cho iPhone
Có thể nói, đây là suy nghĩ sai lầm phổ biến nhất trong cộng đồng iFan. Phần đông người dùng iPhone (cũng như iPod Touch và iPad) đều tin rằng tắt các ứng dụng ở màn hình đa nhiệm (nhấn nút Home 2 lần) sẽ giúp đóng hoàn toàn ứng dụng dưới nền, giúp tiết kiệm pin và tăng hiệu năng xử lý.
Nhưng, khác với Windows và Android, iOS có cơ chế đa nhiệm rất riêng để giúp tiết kiệm tối đa tài nguyên phần cứng khi đẩy ứng dụng xuống dưới nền. Các ứng dụng dưới nền không hề tiêu tốn hiệu năng CPU mà chỉ được lưu tạm trên RAM của thiết bị iOS. Bạn cũng không cần phải lo thiếu RAM trên iOS, bởi hệ điều hành của iPhone sẽ tự động ngắt các ứng dụng đang tạm ngừng trong trường hợp thiếu RAM.
Thực tế, nếu như iPhone vẫn còn thừa RAM, hành động tắt ứng dụng trong giao diện đa nhiệm sẽ khiến... tốn pin hơn. Lý do là bởi khi bạn khởi động lại ứng dụng vừa tắt, iOS sẽ phải tiến hành tải ứng dụng này vào RAM một lần nữa.
Dĩ nhiên, các ứng dụng dưới nền vẫn có thể thực hiện một số tác vụ nhất định, song ứng dụng iOS sẽ không chạy một cách đầy đủ như ứng dụng Windows khi bị đẩy xuống nền. Ngoài ra, việc tắt ứng dụng khỏi giao diện đa nhiệm cũng sẽ không ngăn các ứng dụng này nhận được thông báo. Nếu thực sự cần tiết kiệm pin, bạn có thể tùy chỉnh khả năng Làm mới Ứng dụng Trong nền (tải dữ liệu khi ở dưới nền) của các ứng dụng trong menu Cài đặt > Cài đặt chung.
Sử dụng các chương trình Task Killer (Tự động tắt ứng dụng) sẽ giúp tăng tốc Android
Suy nghĩ sai lầm về ứng dụng không chỉ tồn tại trên iOS mà còn tồn tại trên cả Android. Các ứng dụng Task Killer sẽ tự động ngắt ứng dụng một cách "thông minh", giúp bạn thu lại dung lượng RAM bị các ứng dụng dưới nền chiếm đóng.
Song, thực tế là các ứng dụng của Android sẽ "đóng băng" khi được đẩy xuống dưới nền. Tương tự như trên iOS, việc tắt các ứng dụng dưới nền sẽ làm tiêu tốn thêm pin và hiệu năng xử lý, do khi khởi động lại các ứng dụng này, chiếc smartphone/tablet của bạn sẽ phải tải lại toàn bộ nội dung từ thẻ nhớ/bộ nhớ trong lên RAM. Một vài ứng dụng cũng có khả năng tự khởi động lại sau khi bị các ứng dụng Task Killer ngừng hoạt động. Trong phần lớn trường hợp, các ứng dụng tự động tắt ứng dụng dưới nền sẽ gây hại cho hiệu năng xử lý.
Nói chung, cố gắng làm trống RAM một cách mù quáng là hết sức sai lầm. RAM là tầng trung gian quan trọng giữa bộ nhớ register và cache trên vi xử lý với ổ cứng. Do đó, dung lượng RAM trống càng nhiều thì thiết bị của bạn càng đang bị sử dụng một cách thiếu hiệu quả. Dù cho các ứng dụng Android có thể được cho phép chạy dưới nền với một số hạn chế, lượng tài nguyên mà chúng tiêu thụ sẽ không đủ nhiều để làm ảnh hưởng tới hiệu năng chung.
Bạn chỉ cần tắt ứng dụng Android một cách thủ công trong trường hợp một ứng dụng độc nào đó đang "ngốn" pin và CPU của bạn. Ngay cả trong trường hợp này, việc sử dụng các ứng dụng Task Killer cũng sẽ là "dùng lựu đạn để diệt gián". Con gián vẫn sẽ chết, nhưng hành động của bạn mang tính phá hoại nhiều hơn là cải thiện.
Bạn cần phải dùng cạn pin trước khi cắm sạc
Nhờ có hiểu biết ngày càng gia tăng, phần đông người dùng không còn để điện thoại cạn pin rồi mới cắm sạc. Song, rất nhiều người vẫn giữ lại các "mẹo" sạc pin từ thời kỳ điện thoại "cục gạch", theo đó người dùng cần phải dùng cạn pin trước khi cắm sạc. Nhiều người dùng cũng sẽ ngại phải cắm pin khi thời lượng vẫn còn ở mức 80%.
Song, với công nghệ pin Li-ion phổ biến hiện nay, bạn không cần phải áp dụng các "mẹo" cũ nữa. Bạn có thể cắm sạc bất cứ lúc nào bạn muốn, dù là ở 10% hay 90%. Tuy vậy, bạn cũng nên tránh để thời lượng pin xuống dưới mức 20% và cũng cần phải tránh để cạn pin. Sạc pin ở mức từ 40% trở lên sẽ giúp đảm bảo cho pin giữ được tuổi thọ lâu nhất có thể - sạc (và sử dụng) pin nhiều lần sẽ giúp bảo vệ pin tốt hơn là sử dụng hết phần lớn thời lượng pin sau mỗi lần sạc.
Bạn chỉ nên dùng loại sạc đi kèm với thiết bị
Nhiều người vẫn cho rằng chỉ có củ sạc đi kèm với thiết bị mới có thể đảm bảo cho tuổi thọ pin của smartphone/tablet hay các thiết bị di động khác. Song, do tất cả các thiết bị di động đều sử dụng củ sạc chuẩn USB, bạn có thể cắm thiết bị của mình vào bất cứ củ sạc nào – miễn là củ sạc đó là sạc của một nhà sản xuất tên tuổi.
Các chip tích hợp trên cổng sạc của smartphone và tablet sẽ giúp đảm bảo rằng cường độ dòng điện vào pin là mức tối đa mà pin có thể thu nhận được. Do đó, việc sử dụng sạc iPad cho iPhone sẽ không gây tổn hại cho pin iPhone. Ngược lại, bạn cũng có thể sử dụng sạc iPhone cho iPad, song thời gian sạc sẽ tăng lên đáng kể.
Nguyên tắc duy nhất khi chọn mua củ sạc là tránh các loại sạc nhái, bởi linh kiện kém chất lượng bên trong sẽ đe dọa không chỉ tới thiết bị mà còn tới cả tính mạng của bạn và người thân. Ngược lại, bạn có thể sử dụng sạc Apple cho Samsung, sạc LG cho Sony..., miễn là cục sạc bạn đang dùng là hàng chính hãng.
Bạn cần phải mua miếng dán để chống xước cho màn hình
Thay thế miếng dán màn hình rõ ràng là rẻ và dễ dàng hơn thay thế toàn bộ màn hình smartphone. Do đó, việc đầu tiên mà nhiều người làm sau khi mua smartphone sẽ là mua miếng dán cho chiếc điện thoại yêu quý của mình.
Nhưng với sự ra đời của các loại kính bảo vệ cao cấp như Gorilla Glass, miếng dán bảo vệ màn hình không còn nhiều ý nghĩa. Các loại kính này có độ cứng rất cao, và miễn là bạn không quăng quật điện thoại của mình quá mức, màn hình có Gorilla bảo vệ sẽ không bị xước một chút nào.
Quan trọng hơn, kính bảo vệ thế hệ mới còn cứng tới mức những vật thể có thể làm xước miếng dán (ví dụ như dao hoặc đầu bút bi) sẽ không thể làm xước mặt điện thoại. Việc sử dụng miếng dán với các loại màn hình này sẽ không chỉ vô nghĩa mà còn làm giảm vẻ đẹp của smartphone.
Tuy vậy, một số trường hợp đặc biệt đòi hỏi bạn vẫn phải dùng miếng dán bảo vệ. Ví dụ, trong năm ngoái, do không thể mang sapphire lên iPhone 6 (và cũng đã ngừng hợp tác với Corning, nhà sản xuất Gorilla Glass), Apple đã dùng một loại kính "tự chế" cho 2 chiếc smartphone mới. Kết quả là lứa iPhone 6/6 Plus đầu tiên rất dễ bị xước màn hình.
Bài học rút ra từ câu chuyện của iPhone 6 là hãy chỉ tin vào các loại kính bảo vệ tên tuổi, đã được chứng minh. Dù sao, trong tương lai, khi các nhà sản xuất thực hiện bước tiến lên sapphire, bạn có thể tự tin loại bỏ các miếng dán ra khỏi cuộc sống của mình.
Android rất dễ bị nhiễm virus
Nói một cách chính xác, smartphone thường không bị nhiễm "virus". Virus là các mã độc có khả năng tự nhân bản gây ảnh hưởng trầm trọng tới hiệu năng của thiết bị. Trong thời đại di động, bạn sẽ phải lo lắng về adware (mã độc quảng cáo), spyware (đánh cắp thông tin) và các mã độc có mục đích kinh tế khác hơn các các con virus được viết để "phá hoại cho vui" của thời kỳ Windows.
Trong số các hệ điều hành di động, Android là hệ điều hành có mức độ bảo mật kém cỏi nhất. Điều này là không thể tránh khỏi, do Android có tính "mở" và cũng là hệ điều hành có đông đảo người sử dụng nhất trên thế giới.
Song, quan niệm về bảo mật Android là khá "oan uổng". Trong khi mã độc Android tồn tại nhiều hơn các hệ điều hành di động khác, bạn sẽ được đảm bảo an toàn nếu như chỉ tải ứng dụng từ Google Play và các chợ ứng dụng đáng tin cậy khác. Nếu sử dụng các chợ ứng dụng vi phạm bản quyền, bạn sẽ phải chấp nhận đối mặt với nguy cơ mã độc lớn hơn. Việc tải về các bộ APK từ các nguồn không rõ ràng cũng sẽ khiến bạn đặt thông tin cá nhân của mình vào tay kẻ xấu.
Ngoài ra, dù an toàn hơn Android nhưng iOS và Windows Phone cũng không phải là "miễn nhiễm" với hacker. Đó là còn chưa kể tới các hình thức lừa đảo qua mạng thông minh đang ngày một phổ biến. Bất kể là bạn dùng hệ điều hành nào, bạn cũng đều cần tới các biện pháp bảo vệ cho dữ liệu của mình.
Theo (How To Geek), VnReview
0 nhận xét :
Post a Comment