Định vị GPS, tài khoản cá nhân, phần mềm gián điệp... là những công cụ có thể tiếp tay cho người khác bí mật theo dõi vị trí hoặc nghe lén những cuộc gọi riêng tư.
Hạn chế sử dụng dịch vụ định vị
Dịch vụ định vị dựa trên GPS, dữ liệu di động (3G/4G LTE) và Wi-Fi mang lại nhiều tiện lợi cho người dùng smartphone, chẳng hạn như tìm đường đi trên Google Maps, tìm cửa hàng ăn uống trên Foursquare, gắn địa điểm Facebook... Tuy nhiên, việc chiếc smartphone theo dõi từng đường đi nước bước của người dùng cũng tiềm ẩn những rủi ro.
Dịch vụ định vị là cánh tay đắc lực cho những phần mềm theo dõi. Ảnh: iMoore. |
Đối với iPhone và các thiết bị iOS nói chung, người dùng cần kiểm tra lại thiết lập định vị bằng cách vào Settings/General/Restrictions. Tại mục này, người dùng nhập mã bảo vệ để bật tính năng giới hạn (Restrictions), sau đó tìm mục Location Services. Tại mục này, bạn có thể tắt hẳn dịch vụ định vị hoặc bật lại.
Tiếp theo, người dùng cần quan sát trong danh sách liệt kê các ứng dụng đang dùng định vị. Với người dùng thông thường, chỉ cần các ứng dụng quan trọng như Google Maps, Here Maps, các ứng dụng đặt taxi, Foursquare... cần đến định vị. Các game, ứng dụng không cần thiết nếu vẫn được cấp quyền, bạn cần thay đổi lại tuỳ chọn của chúng cho phù hợp. Có ba mức mà bạn có thể chọn cho mỗi ứng dụng: Always (luôn luôn), While Using (chỉ khi chạy ứng dụng), hoặc Never (không cho sử dụng định vị).
Trên Android, tuy các hãng sử dụng giao diện khác nhau, nhưng người dùng có thể tìm mục cài đặt (Settings), chọn Privacy and Safety Location, mục Location. Tại đây, người dùng cũng được cung cấp tuỳ chọn tắt dịch vụ định vị, tuỳ chọn cách thức định vị hoặc cấp quyền truy cập vào vị trí cho các ứng dụng chạy nền.
Không root máy hoặc jailbreak
Root máy Android hoặc jaibreak iPhone mang đến những trải nghiệm lạ, nhưng đi kèm với đó là hàng tá các rủi ro. Thiết bị sau khi bị root hoặc jailbreak đều rất kém ổn định và không an toàn, dễ bị người khác lén cài ứng dụng theo dõi trái phép vào máy.
Máy đã root hoặc jailbreak là môi trường lý tưởng cho các ứng dụng theo dõi lén. Ảnh:Titml. |
Tuy nhiên, với những người dùng thông thạo, họ có thể jailbreak hoặc root máy để cài các ứng dụng giả lập địa điểm giả, giúp chủ nhân "giả vờ" như đang ở chỗ này, nhưng trên thực tế họ ở một nơi khác.
Rà soát lại các ứng dụng lạ
Nếu máy đã root hoặc jailbreak và người làm điều đó là người thân, bạn bè của bạn thì hãy... cẩn thận. Trong đa số trường hợp, việc người khác giúp đỡ bạn root hoặc jailbreak máy là nhằm cài đặt một tiện ích vô hại nào đó, nhưng trong một vài trường hợp đặc biệt, smartphone sẽ bị cài phần mềm theo dõi.
Khi đó, người dùng cần rà soát lại toàn bộ các ứng dụng đã cài đặt và nên gỡ bỏ những cái tên khả nghi. Thực tế, một số ứng dụng theo dõi tinh vi thường ẩn mình trong những cái tên và biểu tượng trông rất vô hại.
Kiểm tra quyền của ứng dụng khi cài đặt
Khi cài đặt một ứng dụng, người dùng thường được yêu cầu cấp quyền cho phần mềm sử dụng camera, micro thu âm, vị trí... và thông tin đăng nhập, tài khoản... Việc của bạn là "soi" kĩ trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, để tránh việc cấp những quyền vô lý, chẳng hạn như quyền được truy cập vào micro, camera, cho một tựa game cơ bản.
Không chia sẻ tài khoản thiết bị
Nhiều người dùng rất bất cẩn trong việc quản lý tài khoản của mình trên smartphone, tablet. Đây là một thực tế khó thay đổi. Tại Việt Nam, nhiều người dùng vẫn dùng chung Apple ID với cửa hàng bán điện thoại. Nhiều người dùng nữ "hồn nhiên" cung cấp Apple ID, tài khoản iCloud cho người yêu và không ngờ mình bị theo dõi qua tính năng Find My iPhone.
Không chỉ trên iPhone, người dùng Android cũng không nên dễ dãi với tài khoản của mình. Gmail là thứ quý giá nhất trên thiết bị Android bởi nó lưu trữ danh bạ, email, ghi chú... và là chìa khoá đăng nhập vào các dịch vụ lưu trữ ảnh. Nếu người khác biết Gmail và mật khẩu của bạn, họ cũng có thể định vị được bạn đang ở đâu nếu trước đó đã bật tính năng tìm thiết bị khi bị mất.
Bên cạnh việc giữ kỹ tài khoản cá nhân, người dùng cần hạn chế sử dụng các tính năng stream photo đến các thiết bị khác, chẳng hạn như một chiếc iPhone có thể tự động gửi ảnh vừa chụp đến bộ sưu tập ảnh trên iPad. Một chiếc smartphone Android tự đồng bộ ảnh lên Google Photos và người nào đó biết mật khẩu đăng nhập vào dịch vụ này. Đây là một tiện ích và cũng là con dao hai lưỡi.
0 nhận xét :
Post a Comment