Người cao tuổi (NCT) thường mắc nhiều bệnh nên phải sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau. Một số loại thuốc như: thuốc an thần, thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm... khi sử dụng sẽ làm gia tăng nguy cơ té ngã ở những người vốn mắt đã mờ, chân đã yếu này.
Nguy cơ té ngã
Té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra những hậu quả nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe NCT như: gãy xương, chấn thương sọ não, liệt… thậm chí dẫn đến tử vong. Tuổi càng cao, sức khỏe càng sa sút thì nguy cơ té ngã càng nhiều. Cứ 3 người trên 65 tuổi thì sẽ có 1 người đã từng bị té ngã!
Nguyên nhân dẫn đến té ngã ở NCT thường do nhiều yếu tố nguy cơ kết hợp với nhau gây ra như:
Lão hóa: các cơ quan trong cơ thể bị lão hóa như mắt mờ, chân yếu… khiến phản ứng chậm, giữ thăng bằng kém.
Bệnh lý: NCT thường mắc nhiều bệnh như: cao huyết áp, viêm khớp, Parkinson, đục thủy tinh thể…
Thiếu an toàn trong sinh hoạt: sàn nhà trơn ướt, thiếu ánh sáng, không có thanh vịn ở cầu thang hay trong phòng tắm, giày dép không phù hợp…
Thuốc: NCT thường sử dụng nhiều loại thuốc khác nhau và một số loại thuốc như thuốc an thần, thuốc cao huyết áp, thuốc chống trầm cảm…
Thuốc gia tăng nguy cơ té ngã
Thuốc thường, NCT có nguy cơ cao té ngã do sức khỏe suy yếu, mắc nhiều bệnh... Đa số NCT, không chỉ mắc phải một bệnh mà thường mắc phải nhiều bệnh cùng lúc như: huyết áp cao, đái tháo đường, thấp khớp… Càng mắc phải nhiều bệnh thì càng phải uống nhiều thuốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy: nếu NCT sử dụng trên 4 loại thuốc khác nhau sẽ gia tăng nguy cơ té ngã! Ngoài ra, một số loại thuốc sau đây cũng gây ra các tác phụ, làm gia tăng nguy cơ té ngã ở NCT:
Thuốc an thần: các loại thuốc an thần như nhóm thuốc benzodiazepine (diazepam, clorazepam, oxazepam…) khi sử dụng một thời gian dài đều làm gia tăng nguy cơ té ngã ở NCT do gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn thăng bằng…
Thuốc cao huyết áp: các loại thuốc cao huyết áp như nhóm thuốc ức chế men chuyển (Captopril, enalapril...), nhóm thuốc đối kháng canxi (Nifedipin, amlodipin…), nhóm thuốc lợi tiểu (Furosemid, hydrochlorothiazid…)... gia tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi do gây ra tác dụng phụ hạ huyết áp kịch phát hay hạ huyết áp tư thế.
Thuốc chống trầm cảm: như nhóm thuốc chống trầm cảm 3 vòng (Amitryptilin, nortryptilin…), nhóm thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (Fluoxetin, paroxetin…), nhóm thuốc ức chế men monoamine oxidase (Phenelzine, isocarboxazid…)gây ra tác dụng phụ buồn ngủ, hạ huyết áp…
Thuốc chống động kinh (Carbamazepin, axít valproic…): khi sử dụng trong một thời gian dài sẽ gây ra tác dụng phụ chóng mặt, buồn ngủ, rối loạn thăng bằng.
Thuốc chống loạn thần (Risperidon, chlorpromazine…) thường gây ra tác dụng phụ buồn ngủ, chóng mặt, rối loạn thăng bằng.
Thuốc kháng histamine H1 (chlorpheniramin, dexchlorpheniramin...) cũng gây ra tác dụng phụ buồn ngủ, chóng mặt, dễ té ngã…
Vì vậy, với các thuốc làm gia tăng nguy cơ té ngã, khi sử dụng cho NCT cần phải hết sức thận trọng! Bên cạnh đó, NCT nên tập luyện thể dục thể thao, giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, đặc biệt là cơ chân, làm tăng khả năng giữ thăng bằng cho cơ thể; áp dụng các biện pháp an toàn phòng tránh nguy cơ té ngã như: ánh sáng đầy đủ trong nhà, sàn nhà tránh trơn ướt, lắp đặt tay vịn ở cầu thang, phòng tắm…
DS. MAI XUÂN DŨNG
0 nhận xét :
Post a Comment