Saturday, February 25, 2017

Cây vối làm thuốc

Cây vối thường được dùng để lấy lá và nụ để nấu nước uống có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa và chống đầy bụng.
Cây vối thường được dùng để lấy lá và nụ để nấu nước uống có tác dụng thanh nhiệt, kích thích tiêu hóa và chống đầy bụng. Vối có hai loại là vối nếp và vối tẻ, lá có màu vàng xanh. Lá vối tẻ thường to hơn lá vối nếp, lá của nó bé bằng hoặc lớn hơn bàn tay người, có hình thoi màu xanh thẫm. Hoa vối thường nở thành chùm đan vào nhau, hoa thường nở vào mùa xuân, còn quả vối thì có màu đỏ thẫm giống với quả bồ quân, vị hơi chát và đắng. Cây vối đặc biệt giàu dược tính có công hiệu làm thuốc chữa bệnh.
Các kết quả nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy trong lá và nụ vối chứa tannin và acid triterpenic, khoáng chất và vitamin... Nước sắc đậm đặc của lá cây dùng như thuốc kháng sinh, sát trùng để rửa mụn nhọt, lở loét, ghẻ. Thường dùng lá, vỏ, thân, hoa làm thuốc chữa đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, mụn nhọt, viêm đại tràng mạn tính, lỵ trực trùng. Các hoạt chất trong nụ vối (chủ yếu là polyphenol) có khả năng ức chế hoạt tính men alpha-glucosidase, làm chậm quá trình phân giải đường, chậm quá trình hấp thu đường từ thức ăn vào máu. Từ đó hạn chế tăng đường huyết sau ăn, kiểm soát đường huyết lâu dài; Nụ vối có khả năng triệt tiêu gốc tự do, chống ôxy hóa, phòng chống lão hóa hiệu quả; Hỗ trợ giảm mỡ máu bởi sự có mặt của thành phần beta-sitosterol có tác dụng điều hòa chuyển hóa cholesterol trong máu, phòng ngừa biến chứng của đái tháo đường.
Theo Đông y, cây vối vị đắng, chát, tính mát, có ít độc; tác dụng thanh nhiệt giải biểu, sát trùng, chỉ dương, tiêu trệ. Lá vối có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon, tiêu hóa tốt. Chất đắng có trong vối sẽ kích thích tiết nhiều dịch tiêu hóa, bảo vệ niêm mạc ruột, còn chất tinh dầu có tính kháng khuẩn cao nhưng không làm tổn hại đến những loại vi khuẩn có ích cư trú tại ống tiêu hóa. Đông y còn dùng vỏ cây vối làm thuốc gọi là hậu phác; được sử dụng để trị đau bụng, đầy trướng ăn không tiêu, nôn mửa...
Chữa đau bụng đại tiện lỏng: Lá vối (khô) 3g, vỏ ổi rộp (khô) 8g, nụ chuối tiêu10g. Sắc với 400ml nước còn 100ml chia 2 lần uống trong ngày, dùng liền 2 - 3 ngày.
Chữa viêm đại tràng mạn tính, đau bụng, đi ngoài phân sống: Lá vối (tươi) 200g, rửa sạch, vò nát, hãm với nước sôi trong 1 giờ để uống thay nước.
Trị đầy bụng, ăn không tiêu: Vỏ thân cây vối 8g, sắc kỹ lấy nước đặc, chia 2 lần, uống trong ngày.
Hoặc nụ vối 15g, sắc lấy nước đặc, chia 3 lần, uống trong ngày.
Trị viêm da mẩn ngứa, chốc đầu: Lá vối lượng vừa đủ nấu kỹ lấy nước để tắm và gội đầu .
Hỗ trợ trị tiểu đường, giảm mỡ máu: Nụ vối 20g, sắc hoặc hãm lấy nước uống thay trà hàng ngày.
Lưu ý: Việc dùng lá vối tươi có các tác nhân kháng viêm và kháng khuẩn rất mạnh có thể dẫn tới tình trạng hao huyết và tiêu diệt những vi khuẩn có lợi. Vì vậy nên sử dụng lá và nụ vối khô thay vì thói quen dùng lá vối tươi. Bên cạnh tác dụng của nước vối, uống quá nhiều chè lá vối và nụ vối đôi khi còn gây rối loạn tiêu hóa, người dùng cần lượng thể trạng, sức khỏe để uống sao cho có hiệu quả nhất.
DS. Mai Thu Thủy

0 nhận xét :