Giả danh công an điều tra vụ án, giả danh trai ngoại quốc để lừa tình, cướp tài khoản Facebook để lừa nạp thẻ cào, hay quảng cáo làm bằng cấp, chứng chỉ giả qua Facebook là các thủ đoạn mà bọn tội phạm công nghệ cao thường sử dụng để chiếm đoạt tiền của những người nhẹ dạ, cả tin.
Những năm gần đây rất nhiều người bị sa bẫy bọn lừa đảo qua Facebook .
|
Thời gian gần đây, trên địa bàn nhiều tỉnh, thành tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với phương thức thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, khiến cho nhiều nạn nhân bị lừa với khoản tiền lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Sau đây là những thủ đoạn bọn tội phạm công nghệ cao thường sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều nạn nhân trong thời gian qua.
Giả danh công an để chiếm đoạt tiền
Đối tượng sử dụng điện thoại gọi đến số điện thoại bàn của bị hại và hỏi: “Đây có phải là anh, chị…(tên chủ thuê bao)” chúng thông báo là chủ thuê bao còn nợ cước điện thoại (thông tin cá nhân chủ thuê bao chúng lấy từ tổng đài VNPT - 1080). Khi chủ thuê bao thắc mắc vì không có nợ thì chúng đặt chuyện nói dối là thông tin cá nhân của bị hại có đăng ký một thuê bao điện thoại bàn khác. Chúng hướng dẫn chủ thuê bao điện lại số thuê bao của các cơ quan Công an để giải quyết (thực chất chúng đã sử dụng mạng Internet để tạo số điện thoại của cơ quan Công an và do đồng bọn của chúng đóng giả). Lúc này, chúng mạo danh cơ quan Công an thông báo cho bị hại biết là có liên quan đến một tổ chức tội phạm quốc tế chuyên rửa tiền xuyên quốc gia mà đối tượng bị bắt đã khai ra. Bị hại điện thoại lại hỏi tổng đài 1080 VNPT để kiểm tra số điện thoại trên có phải của cơ quan Công an không thì được biết đây chính là số điện thoại của cơ quan Công an nên tin tưởng.
Chúng yêu cầu bị hại phải kê khai đầy đủ các nguồn tiền hiện có của mình như: Tiền gửi tiết kiệm, tiền trong tài khoản ngân hàng… sau đó, phải chuyển ngay các nguồn tiền này vào tài khoản Ngân hàng của cơ quan Công an để chờ xác minh nếu không liên quan chúng sẽ trả lại ngay (thực chất tài khoản này chúng thuê người khác mở). Nếu bị hại không thực hiện theo yêu cầu, thì sẽ bị cơ quan Công an bắt giam ngay để phục vụ công tác điều tra. Chúng còn yêu cầu các bị hại phải giữ bí mật, không nói cho ai biết kể cả người thân trong gia đình vì vụ án đang điều tra. Khi bị hại nộp tiền vào tài khoản thì chúng nhanh chóng rút hết tiền và biến mất.
Giả danh người ngoại quốc lừa tình qua Facebook
Nhóm đối tượng người nước ngoài (chủ yếu là người châu Phi) cấu kết với người Việt Nam sử dụng mạng Internet để chat và nhắn tin qua Facebook giới thiệu là những người đàn ông ngoại quốc thành đạt nhưng cuộc sống hôn nhân lại kém may mắn như: Ly hôn, vợ chết… để làm quen với những người phụ nữ Việt Nam có công việc làm ổn định cũng có hoàn cảnh độc thân. Sau một vài ngày chat và nhắn tin làm quen với nhau thì chúng ngỏ lời yêu đương và đặt vấn đề muốn tiến tới hôn nhân. Để thể hiện tình cảm chúng nói muốn tặng một thùng quà có những đồ giá trị như: Laptop, điện thoại iPhone, nữ trang và nước hoa... Thùng quà này chúng gửi theo công ty vận chuyển hàng quốc tế. Khi về tới Việt Nam sẽ có người liên hệ để giao hàng.
Sau đó đồng bọn của chúng là những người Việt Nam sẽ đóng vai là nhân viên của công ty giao hàng hoặc nhân viên của Hải quan sử dụng số điện thoại bàn gọi lại cho các bị hại để thông báo là thùng quà đã về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội). Do phát hiện trong thùng quà có một số lượng tiền mặt (USD) có giá trị lớn nên đã bị tạm giữ. Để nhận được thùng quà thì phải đóng một khoản phí nhất định vào những các tài khoản Ngân hàng mà chúng cung cấp. Khi các bị hại liên hệ lại với người gửi quà để xác nhận thông tin thì các đối tượng này nói có gửi tiền mặt theo thùng quà để mua nhà và đất và hợp tác làm ăn…
Sau đó chúng lấy lý do đang đi công tác xa không có tiền mặt để đóng phí nên nhờ các bị hại đóng dùm và khi nào nhận thùng quà thì sẽ lấy tiền trong thùng quà trả lại. Khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản Ngân hàng thì bọn chúng tiếp tục viện ra nhiều lý do khác để các bị hại tiếp tục chuyển tiền đóng thêm các khoản phí khác. Sau khi các bị hại chuyển tiền vào tài khoản thì chúng nhanh chóng rút hết tiền trong thẻ ATM ở Campuchia, kết thúc hành vi lừa đảo.
Chiếm tài khoản Facebook rồi lừa nạp thẻ cào
Ngoài các thủ đoạn trên, các đối tượng còn thực hành vi lừa đảo bằng cách đánh cắp mật khẩu, tài khoản Facebook của người dùng rồi giả làm người thân trong gia đình của chủ tài khoản Facebook, sau đó nhờ mua thẻ cào điện thoại của các nhà mạng với lý do để đầu tư vào công ty game kiếm lời và hướng dẫn người nhà chụp các mã nạp tiền lên Facebook … nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Tương tự, bọn tội phạm còn thực hiện hành vi đánh cắp mật khẩu, đăng nhập vào các tài khoản Facebook của người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài giả vờ tìm người thân của chủ tài khoản Facebook bị chiếm đoạt ở Việt Nam yêu cầu nạp điện thoại để hưởng chênh lệch bằng cách gửi số seri và mã thẻ cào điện thoại qua tin nhắn facebook. Sau khi nhận được, các đối tượng nap thẻ cào vào tài khoản Ví điện tử, rồi thực hiện lệnh rút tiền thông qua các tài khoản của chúng ở Ngân hàng. Tiền trong Ví điện tử được quy đổi bằng 82% giá trị tiền thật.
Quảng cáo làm giả bằng cấp, chứng chỉ qua Facebook để chiếm đoạt tiền
Thủ đoạn lợi dụng công nghệ cao để lừa đảo được các đối tượng sử dụng đó là: chúng tạo trang Facebook có tên “Làm bằng Đại học, Chứng chỉ, Thạc sĩ, Bác sĩ”, sử dụng số điện thoại và email để trao đổi liên hệ, yêu cầu khách hàng có nhu cầu làm bằng chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng, sau đó khóa máy chặn liên lạc với bị hại. Hoặc sử dụng Facebook, Zalo để đăng tải thông tin mua bán hàng trực tuyến các mặt hàng quần áo, giày dép, túi xách … khách hàng mua phải đặt cọc trước số tiền từ 80 đến 100% giá trị đơn hàng và chuyển tiền vào các tài khoản của đối tượng ở Ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi các nạn nhân chuyển tiền đặt cọc mua hàng vào tài khoản, bọn chúng rút hết tiền chiếm đoạt nhưng không giao hàng, sử dụng số tiền đó chi xài cá nhân.
0 nhận xét :
Post a Comment