Không để “nước chảy bèo trôi”
TT - “Trong cải cách thủ tục hành chính (TTHC), bộ ngành nào có người dân, doanh nghiệp kéo đến nhiều và phải chờ đợi thì nơi đó có nhiều vấn đề”.
Quá tải việc làm thủ tục tại phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM (ảnh chụp chiều 5-4-2011) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân |
Ông Nguyễn Xuân Phúc (ủy viên Bộ Chính trị, bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ) đã kết luận như vậy tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát việc thực hiện cải cách TTHC, tổ chức ngày 18-7.
Đơn giản hóa trên 3.000 TTHC
Theo ông Ngô Hải Phan (cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ), tính đến cuối tháng 6 các bộ ngành đã ban hành và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa trên 3.000 TTHC trong tổng số khoảng 4.800 TTHC phải đơn giản hóa, đạt tỉ lệ 63%. Một số bộ ngành hoàn thành được khối lượng công việc lớn như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính... nhưng vẫn còn có bộ ngành tiến độ thực hiện chậm. Một số bộ ngành và địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong các việc như: công bố công khai và minh bạch các TTHC, cập nhật TTHC trên cơ sở dữ liệu quốc gia, đánh giá tác động đối với những TTHC dự kiến ban hành...
Ông Ngô Hải Phan nói thông qua địa chỉ thư tín, trang tin điện tử, cổng thông tin điện tử và số điện thoại chuyên dùng đã được công bố công khai, trong sáu tháng đầu năm Văn phòng Chính phủ đã tiếp nhận hơn 50 phản ảnh, kiến nghị về sự không cần thiết, không hợp lý của các quy định hành chính hoặc hành vi của các cán bộ, công chức, cơ quan hành chính nhà nước không tuân thủ các quy định hành chính. Qua đó giúp Văn phòng Chính phủ có thêm thông tin về những vướng mắc của người dân và chấn chỉnh hành vi của cán bộ, công chức trong phục vụ người dân.
"Chúng ta hay so sánh ta với ta mà chưa so sánh với cái tốt nhất. Ví dụ chúng ta nói rằng hải quan đã có nhiều cải cách, nhưng đó là so sánh chúng ta với chính mình, cần phải so sánh với các tiêu chí trong khu vực mới biết khoảng cách cần tiến tới như thế nào" Ông Nguyễn Đình Cung(phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) |
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến (thứ trưởng Bộ Y tế) nêu kiến nghị với Văn phòng Chính phủ về việc một số dự thảo nghị định các bộ trình lên “lâu không trả lời”.
Bà Tiến nói: “Có khi để vài ba tháng, năm sáu tháng. Bộ Y tế còn kẹt mấy dự thảo nghị định để triển khai luật, từ luật đến ban hành nghị định, sau đó mới có thông tư, mong Văn phòng Chính phủ giúp các bộ có nghị định sớm hơn”.
Cần có cơ chế giám sát
Nhiều ý kiến tại hội nghị đề cập vấn đề đạo đức công vụ. Ông Lê Minh Trí nói: “Bên cạnh việc tự rèn luyện của cán bộ, công chức, đòi hỏi phải có cơ chế giám sát như giám sát của cộng đồng nhân dân, giám sát của Mặt trận, giám sát của người dân và doanh nghiệp”. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng: “Doanh nghiệp kêu một là không rõ thủ tục, hai là rườm rà, ba là để lâu. Để lâu có thể do thủ tục không đơn giản hoặc có thể do qua rất nhiều tầng nấc, nhưng cũng có khi liên quan đến đạo đức, phẩm chất của người thi hành công vụ. Đây là vấn đề quan trọng cần kiểm tra, giám sát”.
Theo ông Nguyễn Đình Cung (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương), cần có thưởng phạt công minh đối với cán bộ, công chức. “Hiện chúng ta chưa làm được điều đó. Chúng ta cứ báo cáo có một bộ phận không nhỏ hoặc nơi này nơi kia làm chưa tốt mà không chỉ ra đó là ai và kỷ luật ra sao. Cứ nói chung chung thì cuối cùng hòa cả làng” - ông Cung nói.
Kết luận hội nghị, ông Nguyễn Xuân Phúc khẳng định công tác cải cách TTHC thời gian qua đã đi vào đời sống, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông Phúc nhấn mạnh: có gặp dân mới thấy hết được những khó khăn, có trường hợp mấy tháng không ra được văn bản giải quyết công việc cho dân, cần chấn chỉnh kịp thời tình trạng này.
Ông Phúc yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương phải xem cải cách TTHC là một trong các nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên nhằm góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về phát triển kinh tế. “Các quyết sách đúng đắn về cải cách TTHC cần được thực hiện đến nơi đến chốn, dứt khoát không để xảy ra tình trạng nước chảy bèo trôi” - ông Phúc nói.
0 nhận xét :
Post a Comment