Các nhà khoa học Đại học Copenhagen (Đan Mạch) cho biết, những người sử dụng nhiều kháng sinh có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 cao hơn những người không sử dụng dạng thuốc này.
Nhóm nghiên cứu đã khảo sát số liệu kê toa thuốc cho 170.000 bệnh nhân ĐTĐ týp 2 và so sánh với 1,3 triệu người không mắc bệnh này trong thời gian 17 năm, họ nhận thấy, những người từng sử dụng kháng sinh 5 lần hoặc hơn có nguy cơ mắc ĐTĐ týp 2 cao hơn 50% so với người không sử dụng kháng sinh lần nào. Kháng sinh phổ hẹp như penicillin có liên quan với ĐTĐ cao hơn so với kháng sinh phổ rộng.
TS. Kristian Hallundbaek Mikkelsen - Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: Có thể bệnh ĐTĐ vốn phát triển lâu dài, làm tăng nguy cơ bị nhiễm khuẩn nên cần điều trị bằng kháng sinh, ngay cả trước khi ĐTĐ được chẩn đoán. Hoặc có thể nhiễm khuẩn nhiều lần làm tăng nguy cơ ĐTĐ theo cách nào đó hay có khả năng chính thuốc kháng sinh dễ dẫn tới bệnh ĐTĐ.
Nghiên cứu trên động vật cho thấy, thuốc kháng sinh có thể làm thay đổi vi khuẩn đường ruột, ảnh hưởng đến sự chuyển hóa đường và mỡ. Ông Mikkelsen cho biết thêm: “Điều này gợi lên khả năng vi khuẩn góp phần gây mất cân bằng chuyển hóa đường - tình trạng từng được ghi nhận ở bệnh nhân ĐTĐ”.
(Theo Journal of Clinical Endocriniology & Metabolism, 9/2015)
0 nhận xét :
Post a Comment