Monday, September 14, 2015

Những kinh nghiệm bỏ túi khi mua TV

Phớt lờ những đoạn phim được trình chiếu, tạm bỏ qua những hấp dẫn từ các thông số được quảng cáo để đi vào các chi tiết nhỏ hơn. Thậm chí, một mảnh giấy nhỏ cũng có thể giúp bạn chọn được chiếc TV ưng ý.
Đừng quá tin vào những đoạn phim trình diễn
Những đoạn phim hoạt hình thực hiện bằng kỹ thuật đồ họa thường được các cửa hàng chọn để trình chiếu trên các TV trưng bày. Ảnh minh họa
Các nhà sản xuất hay siêu thị điện máy và cửa hàng đều chọn riêng các đoạn video để trình diễn khả năng trình chiếu hình ảnh của các dòng TV được bày trên kệ hàng. Nhiều nhà sản xuất TV còn tự sản xuất riêng các đoạn video trình diễn như vậy. Thế nhưng, đây lại là lý do để người dùng đừng quá tin vào những đoạn trình chiếu này và lấy chúng làm chuẩn cho khả năng trình chiếu của màn hình.
Không chỉ tại Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới, đa số các nhà sản xuất thường sử dụng các đoạn phim hoạt hình hoặc đoạn video dựng bằng kỹ thuật đồ họa. Vì thế, hình ảnh của chúng hiển thị rất tốt trên những màn hình kỹ thuật số, đặc biệt là trên màn hình rộng của các TV LED có độ phân giải FullHD hoặc 4K hiện nay, các hình ảnh này lại càng trở nên hấp dẫn các khách hàng hơn. Đó là lý do người dùng nên lờ đi những đoạn phim quảng cáo khi  muốn lựa chọn một chiếc TV ở ngoài cửa hàng.
Ngoài ra, để có thể tối ưu hóa khả năng trình chiếu của màn hình TV, hầu hết các TV được trưng bày trên kệ đều sử dụng các nguồn hình ảnh có chất lượng cao được như phát qua đầu Blu-ray, cáp nối HDMI…chứ không sử dụng các nguồn phát từ sóng truyền hình. Vì thế, khi sử dụng chính những TV để xem truyền hình, “chất lượng” hình ảnh từ TV sẽ ít nhiều giảm xuống.
Giải pháp là người dùng có thể yêu cầu người bán hàng sử dụng TV trình chiếu một kênh truyền hình bất kỳ đang được phát sóng. Hoặc mang chính những đoạn video của mình được lưu trữ trong ổ HD, USB để thử độ “thật” của màn hình TV mà mình định mua.
Không phải siêu thị và cửa hàng điện máy nào cũng đáp ứng được “yêu sách” thử màn hình TV bằng các kênh trên sóng truyền hình hay bằng các đoạn video của khách hàng. Nếu không được sử dụng cách đó, người dùng vẫn còn những mẹo nhỏ để kiểm tra khả năng trình chiếu của màn hình màn mình định lựa chọn. Quan trọng nhất, là để ý thật kỹ các chi tiết hình ảnh.
Hãy xem sự chuyển động của hình ảnh
Khả năng chuyển động hình ảnh tạo nên độ nét, mịn của màn hình. Đây chính là thế mạnh giúp màn hình LED chiến thắng công nghệ LCD. Nhưng, kiểm tra độ nét màn hình bằng cách nào?
Mẹo dành cho người mua TV là hãy chọn thời điểm để kiểm tra hình ảnh. Đó là khi các chuyển động nhanh, các pha hành động được trình chiếu trên màn hình hay đơn giản là khi màn hình chuyển cảnh. Nếu lúc này, các chi tiết hình ảnh bị kéo vệt bong mờ, tạo ra các mảnh răng cưa hay để lại vết bong cảnh trước khi chuyển cảnh, hãy loại chiếc TV này khỏi danh sách dù nó đang nằm trong tầm ngắm của bạn.
Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các hãng sản xuất đều cho ra đời những mẫu TV có tần số quét hình cao, thông thường là 240 - 480 Hz nên hiện tượng bóng mờ hiện nay đã giảm đi đáng kể. Nhưng tốt nhất, hãy tự mình kiểm tra độ sắc nét và khả năng hiển thị hình ảnh chuyển động của mẫu TV mà mình lựa chọn.
Hãy để ý những chi tiết hình ảnh
Khi lựa chọn TV, hãy để ý đến những chi tiết hình ảnh, ví dụ như viền của các hình được hiển thị. Ảnh minh họa
Đa số thói quen của người dùng hiện nay khi đi mua TV là đứng từ xa nhìn màn hình TV trình chiếu rồi lựa chọn một chiếc TV có vẻ ưng ý nhất. Nhưng lời khuyên lại là đừng nhìn toàn bộ các hình ảnh hiển thị trên màn hình khi trình chiếu mà hãy để ý đến các chi tiết hình ảnh.
Thay vì nhìn toàn bộ màn hình, người dùng nên nhìn xem kỹ những mảng tường,  hay các mép viền của hình ảnh, nếu các chi tiết trên đó hiển thị rõ ràng, không bị “gợn sóng”, đó là một chiếc TV nên chọn.
Chú ý vào các mảng màu
Hãy chú ý vào các mảng màu sắc ở hình ảnh để kiểm tra khả năng hiển thị màu sắc của màn hình TV. Trong đó, 2 mảng màu cần chú ý nhất là màu đen và màu da người.
Thực tế, đôi khi sự đánh giá về màu sắc của bạn không được chuẩn xác. Vì thế, trong các đoạn video có người, hãy kiểm tra và chỉnh màu sắc sao cho màu da của người trong video đó “thật” nhất (với cảm quan của bạn) rồi mới quan sát sang màu sắc của những thành phần khác. Nếu tất cả hài hòa và vừa mắt, đây đích thực là chiếc TV phù hợp với bạn.
Hiển thị các mảng màu đen hoặc màu tối ở TV cũng rất quan trọng, các mảng màu đen được hiển thị sâu và đồng đều ở mọi góc màn hình sẽ giúp màn hình TV có chiều sâu và góc nhìn tốt.
Ngoài ra, hãy làm một phép thử chỉnh sáng màn hình, dù có chỉnh màn hình sáng lên, hãy đảm bảo các màu sắc không bị lóa hay màu da người trong video không bị cháy, nếu đạt chiếc TV này thực sự tốt.
Một mảnh giấy nhỏ cũng có thể giúp bạn
Có một mẹo rất hay chúng tôi được một người thợ bán hàng có kinh nghiệm lâu năm chia sẻ, để kiểm tra độ sắc mịn của màn hình thực tế, rất đơn giản và một mảnh bìa hay giấy nhỏ cũng có thể giúp được bạn.
Hãy dùng một tấm bìa (giấy) nhỏ và khoét một lỗ hổng. Đưa mảnh giấy đặt lên màn hình TV đang trình chiếu và nhìn vào màn hình qua lỗ hổng trên giấy. Nếu bên trong khoảng trống, màn hình TV hiển thị hoàn toàn nét mịn và không có các ô hay sạn mờ, độ phân giải của chiếc TV này thực sự tốt.
Đừng để những thông số đánh lừa
Tốc độ quét hình, độ phân giải màn hình quan trọng nhưng không phải là tất cả. Ảnh minh họa
Khi chọn TV, việc lựa chọn các thông số tất nhiên quan trọng. Nhưng đừng để những thông số được quảng cáo đánh lừa bạn.
Đơn cử như tốc độ quét hình hay độ phân giải màn hình bởi 2 thông số này luôn luôn là cuộc chạy đua của các nhà sản xuất TV.
Hiện nay, hầu hết các TV trên thị trường đều có tần số quét hình từ 240 – 480 Hz. Ở các dòng TV 4K hay các TV cao cấp khác, tấn số quét thậm chí còn được nhắc tới con số 1000Hz - 2000Hz. Tuy nhiên, người dùng nên hiểu, đây là tần số mà các nhà sản xuất sử dụng công nghệ để chèn thêm các hình ảnh nội suy giúp cho các hình ảnh hiển thị mượt mà hơn chứ không phải là tốc độ quét thực tế của màn hình. Thêm đó, việc so sánh tần số quét của màn hình lại chỉ đúng khi lựa chọn những dòng TV trong cùng một hãng.
Ngoài ra, việc lựa chọn độ phân giải cao cũng rất tốt. Nhưng nếu bạn chỉ chọn một chiếc TV dưới 50 inch, thì chạy theo độ phân giải 4K lại là thừa thãi bởi lúc này, bạn chỉ cần chọn độ phân giải FullHD là đủ.
Hợp nhãn là đủ?
Thực tế, mua TV cũng giống như mua một món đồ thời trang vậy. Mỗi người thích một thiết kế, hiển thị màu sắc và các chi tiết khác nhau. Các nhà sản xuất trên thị trường hiện nay như LG, Samsung, Sony, Toshiba, Phillips hay TCL,…mỗi nhà sản xuất cũng có thế mạnh và một hướng hiển thị màu sắc trên chiếc TV mà họ sản xuất.
Nếu so sánh trên các kệ hàng, nhiều người cho rằng màu sắc của Samsung, Toshiba rực rỡ và đẹp mắt hơn nhưng cũng nhiều người lại “thấy” TV  LG, Sony hiển thị màu sắc trung thực hơn và họ không thích màu sắc quá “rực” của các TV khác. Như vậy để thấy mỗi người có một thiên hướng màu sắc khác nhau.
Vì vậy, khi lựa chọn, sau khi đã áp dụng những mẹo bỏ túi mà chúng tôi vừa mach bạn, hãy chọn cho  mình một chiếc TV nào bạn thấy “hợp nhãn” và hài hòa nhất với mình. Đó mới là một chiếc TV tốt.

0 nhận xét :